12 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển

Tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ chi gần 12 tỷ đồng mua thẻ BHYT hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, giúp ngư dân nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển sản xuất.
12 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển ảnh 1 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có quyết định chi gần 12 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; giúp ngư dân nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển sản xuất.

Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của 46.218 người, khoảng 13.000 hộ dân ở 230 thôn/xóm, 42 xã/ thị trấn của 4 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc) và thị xã Hương Trà tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sau sự cố môi trường biển, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế là 980,3 tỷ đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định sổ 772/QĐ-TTg).

Đến nay tỉnh đã hoàn thành công tác chi trả, đạt tỷ lệ 100% so với phê duyệt; trong đó, huyện Phú Vang đã triển khai bồi thường với tổng kinh phi 382,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 41% tổng kinh phí toàn tỉnh).

[Quảng Trị hoàn thành bồi thường sự cố môi trường biển trước 30/8]

Riêng tại thị trấn Thuận An, số đối tượng được chi trả bồi thường, hỗ trợ theo diện này là 6.511 đối tượng với kinh phí 156,1 tỷ đồng.

Qua các đợt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở các địa phương trong tỉnh, khiến cho tình hình xã hội dần ổn định.

Việc tổ chức kê khai, xác định, thẩm định đã được tổ chức đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Người dân phấn khởi, đồng tình cao với các chính sách của Chính phủ.

Việc tổ chức chi trả được thực hiện chặt chẽ từ khâu rà soát, điều tra, đánh giá, phê duyệt cũng như sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, tổ chức và giám sát thực hiện.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có đường bờ biển dài 120km với 5 cửa biển; trong đó, có 2 cảng biển giao thông là cảng nước sâu Chân Mây và cảng Thuận An nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Các địa phương ven biển đã nhanh chóng khắc phục sự cố, ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định nâng đội tàu đánh bắt xa bờ từ 409 chiếc lên 600 chiếc và nâng tỷ trọng sản lượng khai thác xa bờ đạt trên 70% đến năm 2020.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có gần 2.000 chiếc tàu cá; trong đó, tàu đánh bắt xa bờ có 409 chiếc với 200 tàu công suất từ 400CV trở lên, 52 tàu cá công suất trên 800CV và 4 tàu vỏ thép trên 800CV đã được hạ thủy.

Tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 67/2014/NÐ-CP đến thời điểm hiện tại gần 182 tỷ đồng; trong đó, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá 177,49 tỷ đồng, cho vay vốn lưu động 4,35 tỷ đồng.

Như vậy, từ sau khi Nghị định 67 có hiệu lực, đến nay tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hoàn thành chỉ tiêu đóng mới 45 tàu cá do Trung ương phân bổ.

Từ những chính sách phát triển thủy sản nên thời gian qua, Thừa Thiên-Huế nhanh chóng vượt qua khó khăn.

Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu tổng sản lượng thủy hải sản đạt 42.000 tấn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 19.987 tấn, tăng 5,4%; trong đó, khai thác biển 18.057 tấn, tăng 6,1%.

Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 cũng đã đạt 35.454 tấn; trong đó, sản lượng khai thác biển tăng gần 22% so với cùng kỳ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục