Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới cam kết chống cháy rừng Amazon

Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới cam kết chống cháy rừng Âmzon, "lá phổi" quan trọng của Trái Đất.
Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới cam kết chống cháy rừng Amazon ảnh 1Lửa cháy dữ dội tại rừng Amazon trên địa phận bang Tocantins, Brazil, ngày 17/8/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giáo hoàng Francis ngày 25/8 bày tỏ lo ngại về tình trạng cháy rừng tại Amazon, "lá phổi" quan trọng của Trái Đất, đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới đưa ra một cam kết mạnh mẽ để ngăn chặn các vụ cháy rừng tương tự tái diễn.

Lời kêu gọi trên được Giáo hoàng đưa ra trong bối cảnh các vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua đang ngày một lan rộng tại rừng Amazon.

Trong buổi lễ hằng tuần trước hàng nghìn tín đồ Thiên chúa giáo tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis bày tỏ lo ngại về nạn cháy rừng Amazon và hối thúc 1,3 tỷ người theo đạo Thiên chúa cùng cầu nguyện để các đám cháy rừng được sớm dập tắt.

Giáo hoàng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của rừng già Amazon đối với Trái Đất.

Brazil là quốc gia có số dân theo đạo Thiên chúa lớn nhất thế giới. Trong thông tri gửi tới giáo dân năm 2015, Giáo hoàng Francis đã đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Ông là người thường xuyên bảo vệ quyền của người dân bản địa trong khu vực rừng Amazon được giữ đất và bảo vệ nền văn hóa của mình.

Ông cũng từng kêu gọi giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), khoảng 1.633 vụ cháy mới xảy ra trong các ngày 22-23/8 vừa qua tại rừng Amazon.

[Hàng trăm đám cháy mới xuất hiện tại rừng Amazon ở Brazil]

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã phê chuẩn quyết định cử quân đội nước này tới hỗ trợ chữa cháy rừng.

Bộ trưởng Quốc phòng Fernando Azevedo cho biết khoảng 44.000 binh sỹ sẽ sẵn sàng cho các chiến dịch "chưa từng thấy" nhằm chiến đấu với "giặc lửa," và các lực lượng đang di chuyển đến 6 bang đề nghị chính quyền liên bang hỗ trợ, gồm Roraima, Rondonia, Tocantins, Para, Acre và Mato Grosso.

6 máy bay, trong đó có hai máy bay Hercules C-130, đem theo 12.000 lít nước, đã được triển khai để dập đám cháy. Tình trạng cháy rừng nghiêm trọng ở Amazon xảy ra đúng thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Pháp.

Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron đã khẳng định rừng Amazon cần được quản lý tốt hơn nhằm chấm dứt tình trạng phá hoại môi trường và kêu gọi các lãnh đạo thế giới thảo luận về tình trạng khẩn cấp này.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy trong năm nay, tại Brazil đã xảy ra tổng cộng 78.383 vụ cháy rừng, cao nhất kể từ năm 2013.

Hơn một nửa số này xảy ra ở Amazon, nơi có hơn 20 triệu người sinh sống.

Rừng mưa Amazon có diện tích 7 triệu km2, chiếm 60% lãnh thổ Brazil và trải dài trên lãnh thổ 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname.

Đây là bể chứa khí carbon lớn nhất thế giới và được xem là "tấm khiên sống" bảo vệ Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng nhiệt đới Amazon nằm trên lãnh thổ của Brazil./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục