Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển ở Cà Mau

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ trình Chính phủ kinh phí gần 74 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh Cà Mau kịp thời xử lý đoạn đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên trái) kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển Tây, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên trái) kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển Tây, tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã khảo sát tình hình sạt lở tuyến đê từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.

Đây là tuyến đê bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt triều cường hồi đầu tháng Tám này, hơn 300m đê bị huy hiếp nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại chuyến kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết, đầu tháng Tám vừa qua, gần 300m đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng, phương tiện và sử dụng các giải pháp tạm thời để gia cố đê. Hiện tại, việc gia cố đã cơ bản hoàn tất.

Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra khi thiên tai ảnh hưởng mạnh, bởi khu vực này đã không còn đai rừng phòng hộ, kè hộ đê không đủ sức ngăn chặn sóng biển bào mòn thân đê.

Hiện, phương tiện và lực lượng hộ đê vẫn ứng trực, kịp thời và chủ động xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Thực tế, theo thống kê từ năm 2007 đến nay, rừng ven biển của tỉnh Cà Mau đã bị mất gần 9.00ha. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở có chiều dài khoảng 57.000m, nhiều đoạn xói lở sâu, nhiều đoạn có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào

Còn về phía bờ biển Đông, tình trạng xói lở đã xảy ra với chiều dài 48.000m, nhiều đoạn xói lở sâu làm mất đất rừng phòng hộ có chiều dài từ 80-100m/năm.

[Cà Mau tập trung đầu tư để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn] 

Bên cạnh sạt lở bờ biển, tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông như Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3,4km bờ sông bị sạt lở.

Qua khảo sát thực tế, hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh trong khu vực cần phải sớm được di dời để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trước thực trạng trên, nhất là khi vừa qua nước biển dâng đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh, Cà Mau đã có tờ trình hỏa tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ rõ hiện còn hơn 23,4km khu vực biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần đầu tư để ngăn chặn sạt lở, bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân cũng như các công trình hạ tầng, các khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, dân cư...

Cụ thể, Cà Mau đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 702 tỷ đồng để xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển phía Đông, nhất là tại các cửa biển xung yếu, khu đông dân cư như Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Hố Gùi, Kênh Năm-Kênh Chùm Gọng, Kênh Chốn Sóng-Kênh Năm Ô Rô, Hốc Năng.

Ông Nguyễn Tiến Hải, thông tin thêm, để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Cà Mau đã và đang áp dụng nhiều giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển, huy động nhiều nguồn vốn để xử lý; áp dụng nhiều giải pháp phi công trình và công trình, qua đó, đã khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu ven bờ biển với tổng chiều dài trên 28.700m, với tổng mức đầu tư hơn 956 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, khó lường như hiện nay, Cà Mau đã chủ động cập nhật tình hình để báo cáo về Trung ương nhằm kịp thời có phương án hỗ trợ các nguồn lực giúp địa phương thực hiện các công trình, dự án phòng chống sạt lở.

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển ở Cà Mau ảnh 1Đoạn đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt triều cường đầu tháng 8 vừa qua, hiện có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự khẩn trương, nỗ lực của tỉnh Cà Mau trong công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở vừa diễn ra tại tuyến đê biển Tây.

Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ trình Chính phủ kinh phí gần 74 tỷ đồng để hỗ trợ tỉnh Cà Mau kịp thời xử lý đoạn đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Đối với tình trạng sạt lở hiện nay, tỉnh Cà Mau cần ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách; trong đó chú trọng sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân vùng nguy cơ cao.

"Về lâu dài, Cà Mau cần tham khảo, tìm các công nghệ kè bảo vệ phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn nữa. Bảo vệ đê biển gắn với tạo bãi trồng rừng phòng hộ, đây là biện pháp quan trọng trước mắt và cũng là lâu dài,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Trong chuyến kiểm tra thực tế lần này tại tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đến khảo sát vị trí xây dựng cầu sông Ông Đốc nối bờ Nam và bờ Bắc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Dự kiến cây cầu này cần nguồn kinh phí trên 600 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi lớn cho thị trấn miền biển lớn nhất miền Tây tiến tới là thị xã trong tương lai gần.

Cây cầu này cũng sẽ tạo trục liên thông tuyến đê biển Tây với trục lộ Đông-Tây Cà Mau, tạo điều kiện vực dậy kinh tế vùng ven biển phía Tây Cà Mau.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã đến khảo sát vị trí xây dựng cầu Cái Nai (huyện Năm Căn) thuộc Dự án trục lộ Đông-Tây Cà Mau và kiểm tra khu vực Mũi Cà Mau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục