Luật Điện ảnh sửa đổi cần được cập nhật để phù hợp với thực tiễn

Khai thác, phổ biến phim trên mạng Internet, xem phim trên các thiết bị cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh hiện hành, bên cạnh đó là vấn đề vi phạm bản quyền,
Quang cảnh hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng luật Điện ảnh (sửa đổi) - Khu vực phía Bắc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng luật Điện ảnh (sửa đổi) - Khu vực phía Bắc. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần cập nhật để phù hợp với thực tiễn xã hội, nhất là sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của khoa học công nghệ, kĩ thuật số, mạng Internet… cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Đó là ý kiến đóng góp của đa số các đại biểu tham dự hội thảo, hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra ngày 23/8 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nêu rõ, trong bối cảnh hiện tại, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập không còn phù hợp với thực tế cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý để hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động điện ảnh nhằm hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Chính phủ trong năm 2019.

Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, qua 12 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh nước nhà phát triển.

Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đâu đã tăng trung bình khoảng 2 triệu USD.

Đến năm 2015 con số doanh thu tăng lên hơn 100 triệu USD, năm 2018 là gần 150 triệu USD.

Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số phim được sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hóa. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển xã hội hóa các hoạt động điện ảnh…

Luật Điện ảnh sửa đổi cần được cập nhật để phù hợp với thực tiễn ảnh 1Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nhưng trước sự vận động của đời sống xã hội, nhất là sự phát triển của khoa học, công nghệ, Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế.

Riêng về khai thác, phổ biến phim trên mạng Internet, xem phim trên các thiết bị cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh hiện hành. Đi cùng với đó là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh…

Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định, phát sinh giấy phép chồng chéo, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Trong khi xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia, du lịch…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và các giải pháp thực hiện.

[Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chính thức thành lập]

Trong đó, chính sách 1 là khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; chính sách 2 là đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, theo đó mở rộng nhóm đề tài và thay đổi phương thức của Nhà nước đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước không qua đấu thầu.

Chính sách 3 là về quản lý, phát hành và phổ biến phim; chính sách 4 đề cập đến hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động xúc tiến, phát triển và quảng bá điện ảnh. Cuối cùng là chính sách về lưu chiểu, lưu trữ phim.

Luật Điện ảnh sửa đổi cần được cập nhật để phù hợp với thực tiễn ảnh 2Bà Nguyễn Thị Thu Hà, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại hội thảo, tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ, bà ủng hộ chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.

Nhưng việc thành lập văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài là không thiết thực.

Bởi lẽ hiện số lượng doanh nghiệp điện ảnh được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất phim là hơn 500 nhưng thực chất chỉ có khoảng 30-40 doanh nghiệp từng tham gia sản xuất phim. Số doanh nghiệp có nhu cầu văn phòng đại diện ở nước ngoài hầu như chưa có.

Về quy định, phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần đánh giá kĩ hơn và đưa ra các giải pháp nhằm quản lý nhà nước, đặc biệt là việc chia sẻ dữ liệu, bản quyền.

Việc phổ biến phim trên kênh truyền hình, phim nước ngoài có phụ đề của kênh truyền hình nước ngoài phát trên lãnh thổ Việt Nam, phim dạng số… cũng cần có chính sách quản lý phù hợp.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh: Qua 12 năm triển khai, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập do chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của quỹ.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đánh giá kỹ tính khả thi của quý, đặc biệt là xác định rõ chi phí, lợi ích để cơ quan nhà nước có cơ sở xem xét, quyết định…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục