Giám sát việc thực hiện pháp luật trong quản lý người nước ngoài tại Việt Nam

19:57' - 22/08/2019
BNEWS Chiều 22/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức hội nghị giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì Hội nghị.
Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua, đại diện Bộ Công an cho biết, đối với việc giải quyết đề nghị mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, từ 1/1/2015 đến 31/12/2018, các cơ quan chức năng của Bộ đã xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho hơn 21,6 triệu lượt người nước ngoài.

Công tác xét duyệt nhân sự người nước ngoài nhập cảnh nhanh chóng, kịp thời, tạo thuận lợi cho người nước ngoài vừa bảo đảm tính chặt chẽ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Qua công tác xét duyệt nhân sự, các cơ quan chức năng đã phát hiện và từ chối xét duyệt nhập cảnh đối với 209 đối tượng thuộc trường hợp chưa được nhập cảnh, trong đó có nhiều đối tượng là thành viên của các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố ở nước ngoài.
Về việc thí điểm cấp thị thực điện tử, từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/12/2018, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã cấp 422.928 thị thực điện tử cho người nước ngoài. Số lượng thị thực hiện tử cấp cho người nước ngoài tăng nhanh, năm 2018 tăng 186% so với năm 2017.

Đối với công tác giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2015 đến 15/11/2018 đã có 924 trường hợp được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp thẻ thường trú, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai (429 trường hợp), Thành phố Hồ Chí Minh (252 trường hợp)…
Theo đánh giá của Bộ Công an, bốn năm thực hiện các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; hai năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành Luật cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, trong đó công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam còn chưa được nhiều địa phương chú trọng thực hiện.
Báo cáo về vấn đề quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cho biết, năm 2013 có 72.172 lao động nước ngoài thì đến năm 2018 con số đã tăng lên thành 88.845 lao động, trong đó lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc có xu hướng tăng tỉ lệ lao động giữ các vị trí quản lý, giám đốc điều hành và giảm tỉ lệ lao động giữ vị trí lao động kỹ thuật.

Nhìn chung, các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lực lượng lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người lao động nước ngoài trong việc tuyển, sử dụng, thực hiện cấp giấy phép lao động, xuất nhập cảnh còn hạn chế.
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho rằng trong khu vực ASEAN không có nước nào có không gian thương mại và không gian đầu tư lớn như Việt Nam. Do đó, những hệ thống liên quan đến đối ngoại và kinh tế đối ngoại cũng phải thông thoáng theo. Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa quy định thời hạn visa 15 ngày.

“Hiện nay, hoạt động du lịch phát triển, người nước ngoài khi đi du lịch có thể lưu trú hàng tháng chứ không chỉ vài ba ngày. Do đó, vấn đề xuất nhập cảnh của chúng ta chưa thực sự phù hợp với xu thế chung của thế giới”, ông Hoàng Bình Quân nhận định và cho rằng việc sửa đổi quy định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.
Tại Hội nghị, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng luật về lao động nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có quy định để quản lý lao động nước ngoài làm việc tại các nhà thầu; sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, trong đó có nội dung về quản lý lao động như khi thành lập doanh nghiệp và đưa vào hoạt động phải có phương án sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục