Mở đường bay thẳng tới Mỹ: Liệu có ‘khó thở’ hay yên tâm không lỗ?

Các hãng hàng không Việt Nam khi mở đường bay thẳng đến Mỹ sẽ phải chịu áp lực rất lớn về yếu tố tài chính để bù lỗ cho giai đoạn đầu khai.
Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều đưa ra các kế hoạch và lộ trình để mở đường bay thẳng đến Mỹ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều đưa ra các kế hoạch và lộ trình để mở đường bay thẳng đến Mỹ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch và dự tính mở đường bay thẳng đến Mỹ nhưng trước hết cần phải giải được bài toán về tàu bay khai thác đường dài, tính toán giá vé và khả năng chịu lỗ trong thời gian đầu khai thác đến thị trường “đất nước cờ hoa” này.

Hiện thực hóa giấc mơ bay thẳng Mỹ

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hàng không đến Mỹ lớn, giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Mỹ năm 2017 đạt trên 700.000 lượt hành khách, tỷ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm.

Để có thể khai thác đường bay trực tiếp đến Mỹ, Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không Việt Nam từ nhiều năm qua đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, từ công tác nghiên cứu thị trường, xác định sản phẩm bay hiệu quả, việc đáp ứng Mức 1 (Category 1) về Năng lực giám sát an toàn hàng không, công tác chuẩn bị kỹ thuật, làm chủ công nghệ khai thác, bảo dưỡng chủng loại tàu bay thế hệ mới...

Phản biện nhiều ý kiến Bamboo Airways mở đường bay đi Mỹ là “không khả thi, chém gió,” Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khẳng định: "Tôi là người nói nhiều, nhưng làm nhiều hơn nói. Bamboo Airways sẽ bay thẳng đến Mỹ và sẽ có lãi 8 tỷ đồng/tháng nếu giá vé ở mức 1.300 USD. Đây là ước tính sơ bộ để có thể yên tâm rằng bay sẽ không lỗ."

[Chủ tịch Tập đoàn FLC: Đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ sẽ không lỗ]

Lý giải thêm, ông Quyết cho rằng, bài toán chi phí cho đường bay từ Việt Nam đến Mỹ việc lỗ hay lãi hoàn toàn phụ thuộc vào giá vé và lượng khách ổn định. Khi mở đường bay thẳng đến Mỹ, trong trường hợp nếu qua nước thứ 3 như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì số lãi lớn hơn nhiều vì lúc đó sẽ đi ‘vợt khách’ của hãng khác.

Cho rằng vẫn có thể rủi ro về lượng vé bán ra hay về biến động giá nhiên liệu, tuy nhiên ông chủ hãng Bamboo Airways bày tỏ sự quyết tâm và hy vọng quý 4/2020, hãng sẽ thực hiện được chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam sang Mỹ như dự tính và trở thành con chim đầu đàn của Việt Nam bay đến phía Tây bán cầu.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ngay từ 2008, khi đặt mua máy bay Boeing 787, Vietnam Airlines đã đặt kế hoạch bay thẳng đến Mỹ. Tuy nhiên, dù có Chứng chỉ an toàn hàng không CAT1 do Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp, Vietnam Airlines vẫn phải chuẩn bị vấn đề thương mại, thị trường, pháp chế và nhanh nhất cũng mất 1-2 năm tới hãng mới bay thẳng Mỹ.

“Nếu mở đường bay thẳng đi/đến Mỹ sẽ rút ngắn thời gian bay, Vietnam Airlines sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn so với các hãng bay vòng, đặc biệt là khả năng tiếp cận đối tượng khách doanh thu cao là đối tượng khách có yêu cầu về thời gian đi lại,” ông Thành nói.

Đánh giá việc mở rộng mạng bay giúp Vietnam Airlines nâng cao thương hiệu nhận biết, đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng bán, ông Thành kỳ vọng hãng còn có cơ hội khai thác thêm được khách nối chuyến từ Mỹ đến các đường bay trong nước và khu vực (tương tự các đường bay châu Âu hiện tại của Vietnam Airlines).

Ông Andy J. Gayer, Trưởng đại diện Boeing tại Việt Nam cho rằng, thị trường đường bay Việt Nam-Mỹ hiện nay rất tốt khi các chuyến bay chuyến bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh đến Los Angeles (409 khách/ngày) và San Francisco (273 khách/ngày) chưa được khai thác.

“Việt Nam có 2 thị trường chưa được phục vụ, như vậy có gần 700 khách/ngày hiện nay chưa được phục vụ, tương đương gần 2 máy bay,” ông Andy J. Gayer tiết lộ.

Không hề dễ dàng khi cạnh tranh khốc liệt

Với việc mở đường bay thẳng đến Mỹ, các hãng hàng không cũng sẽ phải vượt qua không ít thách thức, áp lực từ việc đầu tư máy bay hiện đại, nâng cấp dịch vụ…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong những năm đầu đường bay thẳng có thể phát sinh lỗ mà điển hình hai “người khổng lồ” hàng không của Mỹ đã bỏ cuộc khi mở chặng bay thẳng Mỹ-Việt (Delta Air Lines và United Airlines).

Tuy nhiên, ông Lộc cũng tin tưởng thành công đến đâu còn phụ thuộc vào "bệ đỡ" của cả nền kinh tế về nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, tiềm năng du lịch, kiều bào và du học sinh Việt Nam sang Mỹ...

Từ đó ông Lộc cho rằng, khi tính về bài toán thương mại, sự cạnh tranh với các trung tâm hàng không trong khu vực rất lớn, nếu làm tốt bài toán quản trị, các hãng hàng không có thể cạnh tranh nhưng đòi hỏi tinh thần quyết tâm rất lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có sự hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng hàng không để biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực, từ đó hỗ trợ cho các hãng hàng không.

[Khi nào các hãng hàng không Việt sẽ mở đường bay thẳng đến Mỹ?]

Theo ông Đỗ Nguyên Khoát, Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, để mở đường bay thẳng Việt-Mỹ vấn đề kỹ thuật rất quan trọng và phức tạp nhưng bài toán về kinh tế mới là đau đầu nhất bởi cạnh tranh với các hãng hàng không lớn và nhiều kinh nghiệm trên thế giới không phải là đơn giản.

“Cũng có ý kiến lo ngại rằng, với việc bay quá cảnh (transit) và bay thẳng thì bay thẳng có lợi thế hơn hẳn không? Việc bay thẳng đúng là có những lợi thế ưu việt với chi phí nhiên liệu và không mất chi phí transit ở một số nước khác nhưng lại cần đầu tư đội tàu bay hiện đại với chi phí ban đầu lớn. Vì vậy, phải nghiên cứu kỹ càng chứ không phải bay ngay được với đội bay hiện tại,” ông Khoát chỉ ra những thách thức.

Một chuyên gia về hàng không nhìn nhận, khai thác đường bay thẳng Việt-Mỹ không hề dễ và Mỹ không thực sự là một thị trường tiềm năng.

“Theo một tính toán trước đây, cần phải 5-10 năm, các hãng mới có thể khai thác hòa vốn đường bay này. Ước tính, mức lỗ trong những năm đầu khai thác ít nhất cũng lên tới 30-50 triệu USD mỗi năm,” chuyên gia hàng không này đưa ra con số.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, hiện nay việc khai thác đi đến Mỹ gặp cạnh tranh rất lớn với các hãng hàng không bay vòng (có khoảng 20 hãng hàng không khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Mỹ nên gây sức ép cạnh tranh về giá bán).

Thừa nhận để khai thác đến Mỹ cần có dòng tàu bay phù hợp do đây là đường bay dài (chiều Los Angeles-Thành phố Hồ Chí Minh gần 17 tiếng bay) và chi phí khai thác cao, theo ông Thành, Vietnam Airlines hiện chưa có tàu bay phù hợp để khai thác các đường bay đến Mỹ và hãng đang trong quá trình nghiên cứu và đánh giá loại tàu bay phù hợp nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục