Giá năng lượng không cao sẽ khiến nhà đầu tư dùng công nghệ thấp

Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 56 triệu tấn than và nâng lên 87 triệu tấn vào năm 2030. Chưa kể, nguồn năng lượng khác như LPG cũng phải nhập khẩu từ năm 2023.
Giá năng lượng không cao sẽ khiến nhà đầu tư dùng công nghệ thấp ảnh 1Diễn đàn năng lượng do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc duy trì chính sách giá năng lượng ở mức thấp thời gian qua cũng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư dùng công nghệ thấp, không tiết kiệm năng lượng, ô nhiễm môi trường cao, trong khi người sản xuất năng lượng rất khó khăn vất vả và cần phải thay đổi lại cách nhìn nhận trong vấn đề giá năng lượng.

Đây là ý kiến của Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/8, tại Hà Nội.

Nhiều doanh nghiệp chưa tiết kiệm năng lượng

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng.

Cũng theo đánh giá, hiện các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 56 triệu tấn than và nâng lên 87 triệu tấn vào năm 2030. Chưa kể, nguồn năng lượng khác như LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) cũng phải nhập khẩu từ năm 2023.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là những ngành có cơ cấu chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm thấp vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Từ thực tế này, theo ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), thách thức về năng lượng là rất lớn và tiết kiệm năng lượng chính là pháp cực kỳ quan trọng, đóng góp cho yếu tố phát triển bền vững của nền kinh tế.

“Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, chi phí bỏ ra cho toàn xã hội để tiết kiệm ra một đơn vị năng lượng chỉ bằng 1/3-1/4 lần so với chi phí để sản xuất một đơn vị năng lượng tiêu dùng,” ông Vũ dẫn chứng.

[Tiêu thụ điện tăng đột biến, Bộ Công thương cảnh báo người dùng]

Nói thêm về việc tiêu thụ năng lượng, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn và đến năm 2030 cần 130.000MW công suất nguồn điện.

Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

“Trong bối cảnh hiện nay khi Quốc hội đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân, các nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết. Tiềm năng, trữ dầu và khí đốt sẽ sớm suy giảm, năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng ngay với quy mô lớn do giá thành còn cao thì việc thúc đẩy các hoạt động, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong ngay thời gian trước mắt,” lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

- Cơ cấu nguồn phát điện năm 2018:

Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả phải là ưu tiên hàng đầu

Đưa ra ý kiến tham luận, ông Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa cũng thẳng thắn đề nghị phải nhìn nhận lại việc sử dụng năng lượng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Dẫn chứng về việc phải dùng 30% sản lượng điện hàng năm cho chiếu sáng, ông cho rằng, chỉ cần tiết kiệm một nửa năng lượng cho việc này cũng đủ để xây dựng được một nhà máy hạt nhân cỡ 4.000 MW.

Trong khi đó, với khoảng 10 triệu điều hòa không khí đang sử dụng kể cả trong công nghiệp lẫn dân dụng, ông Quân cho rằng, nếu có hệ thống điều khiển thông minh hoặc sử dụng công nghệ mới để tiết kiệm được 10% công suất tiêu thụ sẽ góp phần không nhỏ cho nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có Luật tiết kiệm năng lượng nhưng theo chuyên gia này, ý thức về tiết kiệm điện còn thấp, đặc biệt các chương trình nghiên cứu khoa học về sử dụng năng lượng hiệu quả còn ít, thậm chí chất lượng còn yếu kém.

Đồng tình với quan điểm của Đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, tiến sỹ Nguyễn Quân nhấn mạnh, sự quan tâm của các doanh nghiệp và người dân đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng còn thấp, trong khi các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học đề cập đến các vấn đề này cũng không nhiều.

Do đó, muốn tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội theo ông, cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân, cũng như sự quan tâm, vào cuộc của các nhà khoa học trong lĩnh vực điện, năng lượng.

Với nhiều năm làm lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Quân đặc biệt lưu ý đến hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các đối tác trong và ngoài nước ở các dự án năng lượng.

Theo ông, đây là văn bản có thể ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp trong nước có thể tiếp nhận được công nghệ của họ một cách thuận lợi cũng như có cơ hội làm chủ công nghệ, đặc biệt là đưa các dự án vào sử dụng hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra 4 yếu tố cần khắc phục trong sử dụng năng lượng tiết kiệm vào hiệu quả, đó là: Nhận thức, cơ chế chính sách, quản lý và khoa học công nghệ.

Đặc biệt, cần có sự đồng thuận cao giữa các Bộ, ngành để thúc đẩy chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Theo đó, ưu tiên hàng đầu về thực hiện chiến lược về năng lượng để góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh và bền vững hơn.

“Ban kinh tế Trung ương đang cùng các bộ, ngành trong đó trọng tâm là Bộ Công Thương thực hiện việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược năng lượng quốc gia. Điều quan trọng nhất sau tổng kết là phải đề ra được phương hướng và giải pháp cho giai đoạn tới,” ông Cao Đức Phát nhấn mạnh thêm./.

- Ông Trịnh Quốc Vũ nói về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục