Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về tôn giáo

Việt-Lào đã phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo giữa các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào, tạo điều kiện cho Phật giáo hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác.
Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về tôn giáo ảnh 1Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Som Ock Kingsada. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng 20/8, Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước do phó giáo sư-tiến sỹ Som Ock Kingsada, Phó Chủ tịch dẫn đầu đã hội đàm với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ Việt Nam).

Hai bên trao đổi về tình hình tôn giáo, kinh nghiệm quản lý nhà nước về tôn giáo của mỗi nước, đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác về công tác tôn giáo đã ký tại Hà Nội vào tháng 7/2014 và đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới.

Tại hội đàm, hai bên ghi nhận và đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định thông qua hoạt động trao đổi đoàn, phối hợp tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác tôn giáo giữa các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam-Lào, tạo điều kiện cho Phật giáo hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác.

Kết quả thực hiện các hoạt động hợp tác giữa hai bên đã góp phần thiết thực vào công tác tôn giáo của mỗi nước, tạo điều kiện cho hai cơ quan tăng cường trao đổi thông tin tôn giáo, chính sách tôn giáo, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong tình hình hiện nay, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo Việt Nam-Lào; đồng thời góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào, tăng cường quan hệ gắn bó, gần gũi giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Lào.

Trao đổi một số nét chính về tình hình tôn giáo, kết quả thực thi chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết, ước tính khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có trên 26 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), khoảng 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, hơn 29.000 cơ sở thờ tự.

Một số tôn giáo có số lượng tín đồ đông ở Việt Nam là Phật giáo khoảng 14 triệu tín đồ, Công giáo khoảng 7 triệu tín đồ, Cao Đài 1,1 triệu tín đồ. Là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, thực hiện bình đẳng và đoàn kết các tôn giáo.

Nhờ chính sách đúng đắn của Nhà nước, đời sống tôn giáo ở Việt Nam có những chuyển biến tích cực, không có xung đột tôn giáo, các tôn giáo chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc, quần chúng tín đồ tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đến nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, cho phép thành lập 60 trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo.

[Ngày hội thanh niên các tôn giáo năm 2019 tại thành phố Đà Nẵng]

Sau một năm thực hiện, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được các tổ chức, tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm túc, số lượng tín đồ tăng từ hơn 25 triệu năm 2017 lên trên 26 triệu năm 2018; nhiều chức sắc, chức việc được phong phẩm, bổ nhiệm; nhiều cơ sở thờ tự được xây mới, tu tạo sửa chữa.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như một số đối tượng chống đối trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề tôn giáo và sơ hở, sai sót trong quá trình thực hiện chính sách tôn giáo tại một số địa phương để vu cáo Nhà nước Việt Nam hạn chế, đàn áp tôn giáo.

Một số cá nhân, tổ chức chính phủ, phi chính phủ nước ngoài do thiếu thông tin đã nhận định thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí xuyên tạc thực tế tình hình và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Xuất hiện hình thức tín ngưỡng, tôn giáo mới mang tính chất mê tín dị đoan và bị đối tượng chống đối lợi dụng gây mất an ninh-trật tự xã hội; truyền đạo trái pháp luật, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gây mất an ninh trật tự và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của chính quyền các cấp…

Việt Nam-Lào trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về tôn giáo ảnh 2Quang cảnh hội đàm. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Som Ock Kingsada thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước Lào và một số hoạt động của Mặt trận Lào thời gian qua. Theo đó, Mặt trận Lào có vai trò quan trọng trong kết nối giữa Chính phủ với các tổ chức thành viên.

Trong hoạt động, Mặt trận Lào ưu tiên tập trung nâng cao vai trò của các già làng, trưởng bản trong đoàn kết nhân dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo; huy động nguồn lực từ các tổ chức, xã hội, các kiều bào đóng góp xây dựng đất nước.

Về công tác tôn giáo, Hiến pháp Lào quy định rõ việc quản lý các hoạt động tôn giáo, nhân dân các dân tộc Lào có quyền tự do tín ngưỡng. Hiện Lào có bốn tôn giáo lớn, trong đó đạo Phật là lớn nhất, tiếp theo là đạo Tin lành. Qua đánh giá, công tác tôn giáo được triển khai đúng tinh thần của lãnh đạo cấp cao.

Thực hiện Thỏa thuận hợp tác, trong thời gian tới, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước thống nhất tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn, hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo, ủng hộ Giáo hội Phật giáo hai nước trong các hoạt động phật sự, đóng góp ngày càng nhiều và thiết thực vào việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào, không để các thế lực lợi dụng vấn đề tôn giáo làm phương hại đến quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc Việt-Lào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục