''Các nước không nên chỉ dựa vào sức mạnh hoặc lực lượng quân sự''

Giáo sư quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon nhấn mạnh không nên từ bỏ những nỗ lực trích dẫn, sử dụng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết một cách hòa bình các vấn đề giữa các quốc gia.
''Các nước không nên chỉ dựa vào sức mạnh hoặc lực lượng quân sự'' ảnh 1Giáo sư quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon. (Ảnh: Hữu Tuyên/Vietnam+)

Ngày 16/8 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, giáo sư quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Địa chính trị Hàn Quốc, nêu rõ vì hòa bình và thịnh vượng của mọi người, các nước không nên chỉ dựa vào sức mạnh hoặc lực lượng quân sự. 

Theo giáo sư Lee Woong-Hyeon, chúng ta không nên từ bỏ những nỗ lực trích dẫn, sử dụng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết một cách hòa bình các vấn đề giữa các quốc gia.

Bãi Tư chính, rạn san hô cực tây quần đảo Trường Sa, là nơi đặt nhà giàn DK1 chiến lược của Việt Nam, được gọi là pháo đài giữa đại dương nằm sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

[Yêu cầu Trung Quốc rút Tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển Việt Nam]

Theo giáo sư Lee Woong-Hyeon, có một khung pháp lý cho an ninh và hòa bình ở vùng biển này bên cạnh nguyên tắc chung bấy lâu nay về tự do hàng hải. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 thiết lập Vùng đặc quyền kinh tế là khung tham chiếu pháp lý quan trọng nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể củng cố lập trường của mình.

''Các nước không nên chỉ dựa vào sức mạnh hoặc lực lượng quân sự'' ảnh 2Phóng viên TTXVN tại Seoul-Hàn Quốc đang phỏng vấn Giáo sư quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon  (Ảnh: Hữu Tuyên/Vietnam+)

Giáo sư Lee Woong-Hyeon khẳng định, yêu sách biện minh cho hành động của Bắc Kinh (đường đứt khúc chín đoạn) không thể được coi là một khung pháp lý quốc tế và không được các quốc gia khác chấp nhận.

Giáo sư Lee Woong-Hyeon cho rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã bác bỏ yêu sách đường chín đoạn là không có căn cứ vào năm 2016. Khung pháp lý sẽ là vũ khí tốt của các nước yếu để chỉ trích hành động phi pháp của nước mạnh hơn và để có được sự ủng hộ của thế giới.

Giáo sư Lee Woong-Hyeon nhấn mạnh trong cuộc khủng hoảng quốc tế đe dọa an ninh và chủ quyền của Việt Nam, lập trường quan trọng nhất mà một nhà nước cần có là duy trì sự thống nhất về chiến lược, lý luận và chính sách, điều có thể nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và có thể có được vị thế vững chắc hơn.

Và điều cần thiết là các nhà học giả nghiên cứu, nhất là nghiên cứu lịch sử, cần chuẩn bị cho cuộc tranh luận có thể diễn ra về chủ quyền hợp pháp theo lịch sử và quốc tế ở khu vực này. Giáo sư Lee Woong-Hyeon nhấn mạnh "đôi khi ngòi bút còn sắc hơn thanh kiếm"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục