TP.HCM: Thêm một ca ghép gan thành công cho trẻ 16 tháng tuổi

Đây là trường hợp ghép gan trẻ em thứ 13 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nhưng cũng là trường hợp lần đầu tiên ghép gan thành công cho một em bé sinh non 3 tháng tuổi.
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca phẫu thuật ghép gan cho em bé 16 tháng tuổi. (Ảnh: TTXVN phát)
Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ca phẫu thuật ghép gan cho em bé 16 tháng tuổi. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 19/8, Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị này vừa thực hiện ca ghép gan thành công cho một bệnh nhi 16 tháng tuổi bị teo đường mật bẩm sinh.

Đây là trường hợp ghép gan trẻ em thứ 13 tại Bệnh viện Nhi đồng 2 nhưng cũng là trường hợp lần đầu tiên ghép gan thành công cho một em bé sinh non 3 tháng tuổi.

Bé D.C.M (16 tháng tuổi, trú tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) sinh non lúc ngoài 6 tháng tuổi do mẹ vỡ ối sớm. 1 tháng 10 ngày sau sinh, các bác sỹ phát hiện em có tình trạng vàng da ứ mật do bệnh teo đường mật bẩm sinh. Sáu tháng tuổi, bé được phẫu thuật Kasai (phẫu thuật thông ống mật) tại Bệnh viện  Nhi đồng 1 nhưng tình trạng diễn tiến xấu nên gia đình đã chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 mong tìm cơ hội ghép gan.

Ngày 3/6/2019, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận bé D.C.M trong tình trạng viêm phổi nặng, suy gan giai đoạn cuối với biểu hiện suy hô hấp, báng bụng, vàng da nặng.

Giáo sư Trần Đông A cùng các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ định phải ghép gan bán khẩn cho bệnh nhi nếu không bé sẽ có nguy cơ tử vong sớm. Người tình nguyện hiến gan để phẫu thuật cứu sống bé D.C.M là ông nội của cháu.

[Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công chia gan ghép cho 2 người]

Ngày 18/6, với sự trợ giúp của các chuyên gia phẫu thuật đến từ Bỉ, các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiến hành phẫu thuật ca ghép gan khó khăn này.

Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ca phẫu thuật kéo dài 15 tiếng với rất nhiều khó khăn do thể trạng bệnh nhi quá yếu lại nhiễm trùng phổi, gan, suy dinh dưỡng, suy đa tạng.

Bên cạnh đó, tĩnh mạch cửa của bệnh nhi và gan của ông nội không tương thích với nhau khiến êkíp mổ phải mất 5 giờ đồng hồ lấy tĩnh mạch cảnh trái của bệnh nhi làm cầu nối, nhờ vậy mạch máu mới lưu thông lên gan suôn sẻ.

Vấn đề gây trở ngại tiếp theo là bụng của em bé quá nhỏ do sinh non tháng nên êkíp phẫu thuật phải nới ổ bụng của em bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới bằng tấm plaque - một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài sang phục vụ ca phẫu thuật.

Sau ghép 2 tháng, bệnh nhi hồi phục tốt, bé tăng cân, vui vẻ, linh hoạt, da trắng, không còn sạm (xuất hiện sau khi nhập viện một thời gian do tình trạng ứ mật) như trước.

Giáo sư Trần Đông A nhận định, đây là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam mà người hiến là ông nội của bệnh nhân và người nhận là một bé sinh non 3 tháng.

Đây cũng là một trong 2 ca nặng nhất tại Bệnh viện Nhi đồng 2, nếu không tiến hành ghép gan ngay chắc chắn bệnh nhi sẽ tử vong.

Theo tiến sĩ, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch, dù Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn đẩy mạnh ghép tạng cho trẻ em nhưng do nguồn tạng hiến khan hiếm cộng thêm chi phí ghép tạng, chăm sóc sau ghép… tốn kém nên vẫn còn nhiều trẻ phải chờ đợi ghép tạng trong cảnh “sống mòn.”  

Vì vậy, nhân dịp này, bệnh viện kêu gọi các cá nhân, tổ chức chung tay thành lập “Quỹ hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhi nghèo” để có thêm nhiều bệnh nhi có cơ hội được cứu sống và có chất lượng cuộc sống tốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục