Ấn Độ hài lòng với xu hướng thương mại tích cực với Iran

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Iran Gaddam Dharmendra, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã mang lại những cơ hội thương mại mới giữa Ấn Độ và Iran.
Ấn Độ hài lòng với xu hướng thương mại tích cực với Iran ảnh 1Đại sứ Ấn Độ tại Iran Gaddam Dharmendra. (Nguồn: tehrantimes.com)

Đại sứ Ấn Độ tại Iran Gaddam Dharmendra khẳng định thương mại giữa hai nước đang có chiều hướng tích cực, bất chấp những biện pháp trừng phạt của Mỹ vốn đã cản trở New Delhi nhập khẩu năng lượng từ Tehran.

Trả lời phỏng vấn hãng tin ILNA của Iran, Đại sứ Dharmendra cho biết: "Cả Iran và Ấn Độ đều là những nền kinh tế lớn đang phát triển với các cơ sở vững chắc. Cả hai nước đều đang hưởng lợi từ các lợi thế về dân số. Tôi nhận thấy mối quan hệ đối tác giữa chúng ta đang trong chiều hướng tích cực."

Theo nhà ngoại giao này, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã mang lại những cơ hội thương mại mới giữa Ấn Độ và Iran. Hai nước đã gia tăng đáng kể thương mại song phương kể từ khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran hồi tháng 11 năm ngoái.

[Thủ tướng Modi: Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD]

Ông lưu ý thương mại hai chiều hiện ở mức 17 tỷ USD (tài khóa 2018-2019), tăng 25%, đồng thời khẳng định các lệnh cấm của Mỹ sẽ không thể ngăn cản Ấn Độ mở rộng quan hệ với Iran và thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông nói: "Chúng tôi không điều chỉnh quan hệ của mình với Iran theo hành vi của các nước khác. Iran là láng giềng của chúng tôi và chúng tôi có quan hệ sâu rộng với Tehran."

Tuy nhiên, từ tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã phải ngừng toàn bộ việc nhập khẩu dầu mỏ từ Iran, sau khi Mỹ chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran.

Căng thẳng giữa Tehran và Washington không ngừng leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015 và trong thời gian gần đây gia tăng sức ép lên Tehran bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt nhập khẩu dầu thô từ Iran đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục