Cơ hội nào cho doanh nghiệp nội tham gia Dự án cao tốc Bắc - Nam? (Bài 1)

18:02' - 16/08/2019
BNEWS Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ GTVT chấm sơ tuyển nhưng với hạn chế về năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nội bị thua ngay trên vạch xuất phát.
Hạn chế về năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nội bị thua ngay trên vạch xuất phát. Ảnh minh họa: Huy Hùng – TTXVN

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia đang thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Tuy nhiên, tại dự án này nhiều chuyên gia dự báo khả năng nhiều nhà đầu tư trong nước sẽ bị thua cuộc ngay trên sân nhà. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những dự báo này?

Bài 1: Yếu cả về tài chính và kinh nghiệm

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải chấm sơ tuyển nhưng với những hạn chế về năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công có thể dẫn đến việc nhà đầu tư nội bị thua ngay trên vạch xuất phát.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, tính đến nay, tất cả 8 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, đã có 75 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp dự tuyển; trong đó có 15 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam, số còn lại của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nước ngoài và liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

“Mỗi dự án thành phần sẽ chọn 5 nhà đầu tư tính theo điểm chấm thầu từ cao xuống thấp. Dự kiến, tháng 4/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chọn xong nhà đầu tư cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, Bộ Giao thông Vận tải sẽ sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100.

Cụ thể, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).

Tuy nhiên, điều đáng nói là tại siêu dự án lên tới nhiều tỷ USD đến thời điểm này vắng bóng một loạt các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước.

Đặc biệt những tên tuổi lớn như Sungroup, Vingroup, FLC…cũng chưa có động thái quan tâm đến dự án này.

Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho biết, ở bước sơ tuyển, yêu cầu vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư dự án.

Mức này cao hơn quy định của Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định 63 quy định 15%).

"Hơn nữa, nhà đầu tư phải chứng minh có toàn bộ vốn này tại thời điểm chấm thầu mà không được xét đến lộ trình tăng vốn. Với quy định này các doanh nghiệp trong nước rất khó đạt được, để đáp ứng cần phải liên danh nhiều doanh nghiệp trong nước với nhau, gây bất lợi cho việc quản lý dự án sau này”, ông Trần Văn Thế chia sẻ.

Ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, để tham gia làm nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam, một doanh nghiệp trong nước phải có ít nhất 1.000 tỷ đồng mới đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.

“Hơn nữa, các tổ chức tín dụng trong nước hiện nay còn yêu cầu các nhà đầu tư phải đóng thêm 10% thuế giá trị gia tăng mới giải ngân, nghĩa là nhà đầu tư phải góp vốn đến 30% tổng mức đầu tư ngay từ đầu. Trong bối cảnh hiện nay, gần như không có doanh nghiệp giao thông nào đáp ứng được. Nhà đầu tư trong nước chỉ có thể tham gia dự án khi liên danh, liên kết lại với nhau”, ông Vũ Đức Nhận chia sẻ.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án giao thông hiện nay, đại diện Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, với tiêu chí về năng lực kinh nghiệm, trong hồ sơ mời sơ tuyển quy định nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét, buộc doanh nghiệp phải từng tham gia các dự án có tổng mức đầu tư từ 4.000-5.000 tỷ đồng. Trên thực tế, hiếm khi nhà đầu tư trong nước tham gia dự án lớn như vậy.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho hay, để có đủ năng lực tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã phải liên danh với các doanh nghiệp khác.

Với yêu cầu sơ tuyển nhà đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải nếu không được điều chỉnh cho phù hợp thì hầu hết các nhà đầu tư trong nước sẽ bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.

Ông Muôn Văn Chiến, Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng hạ tầng đồng thời là Giám đốc Công ty FCC của Công ty cổ phần FECON chia sẻ, FECON vừa qua cũng có nộp hồ sơ sơ tuyển dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Tuy nhiên cơ hội trúng tuyển cũng chưa thể khẳng định vì đoạn này nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tham gia.

Đánh giá về các tiêu chí đưa ra của Bộ Giao thông Vận tải trong việc lựa chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc - Nam, ông Muôn Văn Chiến cho rằng, trong hồ sơ mời thầu sơ tuyển các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam yêu cầu phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng.

Trong khi các ngân hàng thương mại đang thắt chặt điều kiện và giới hạn cho vay BOT vì đã chạm trần, đây là điều khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, các yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải về thang điểm xét thầu tài chính chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm, kinh nghiệm kỹ thuật chiếm tỷ trọng 30%, phương pháp tổ chức triển khai dự án 10% đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, hồ sơ mời dự tuyển các dự án BOT áp dụng mức lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng 5 - 6%/năm, là mức chênh lệch mà khó có nhà đầu tư trong nước nào chịu được. Trong khi vốn vay giá rẻ là lợi thế của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả lấy ví dụ, trong hồ sơ tuyển dự án BOT Phan Thiết - Dầu Giây do Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) ấn hành để lựa chọn nhà đầu tư cũng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe mà nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng giao thông cho rằng không thể trúng thầu cho dù họ đã đầu tư các công trình đường cao tốc, cầu và hầm lớn.

Như về kinh nghiệm, yêu cầu là nhà đầu tư đã từng thực hiện ít nhất 1 dự án BOT có tổng vốn đầu tư bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét.

Với tổng vốn đầu tư dự án 614 triệu USD, Ban quản lý dự án Thăng Long yêu cầu nhà đầu tư phải đáp ứng giá trị tài sản ròng trong năm tài chính 2018 từ 101 - 152 triệu USD, tương đương 20 - 25% tổng vốn đầu tư dự án BOT, trong khi hầu hết các nhà đầu tư trong nước đã làm dự án BOT đang trong giai đoạn dòng tiền âm, dự án chưa đến điểm hòa vốn nên khó đáp ứng.

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay đúng là công việc trong lĩnh vực giao thông đang khó khăn nhưng Vinawaco không tham gia đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam vì các tiêu chí đưa ra của Bộ Giao thông Vận tải là quá cao, vượt quá năng lực của nhà đầu tư trong nước./.

Bài 2: Cần liên danh, liên kết

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục