Du lịch Việt cần chủ động khi thị trường khách quốc tế ‘đổ bệnh’

Ngành du lịch Việt Nam phải đa dạng các dịch vụ sản phẩm, không nên quá tập trung vào một vài thị trường và tạo dấu ấn đầu tiên ngay trên các chuyến bay đến nước ta.
Du khách tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Du khách tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có tốc độ tăng đột phá trong những năm vừa qua, tuy nhiên, đại diện các cơ quan cho rằng, tăng trưởng du lịch khách đến nước ta đã có dấu hiệu chậm lại đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để “câu khách” đến và quay trở lại.

Có dấu hiệu chững lại

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch đưa ra tại hội nghị Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào sáng ngày 16/8 ở Đà Nẵng, giai đoạn 2015-2018, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018 (tăng 1,95 lần), đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm.

"Đây là tốc độ tăng trường cao hàng đầu thế giới theo đánh giá hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) khi cao hơn hẳn so với mức tăng trung bình 5,8%/năm trên phạm vi toàn cầu và 6,1% đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong cùng giai đoạn 2015-2018," lãnh đạo Tổng cục Du lịch chia sẻ.

Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến (tăng 7,9%). Trong đó, thị trường nguồn quan trọng nhất của du lịch Việt Nam là khách đến từ Trung Quốc 32%, Hàn Quốc 22,5%, Nhật Bản 5,3%, Đài Loan 4,6%, Mỹ 4,4%, Nga 3,9%... 10 thị trường nguồn hàng đầu đang chiếm 83% tổng lượt và 78,2% tổng thu từ khách quốc tế đến Việt Nam.

Lý giải về nguyên nhân tăng trưởng, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhìn nhận do kết nối hàng không trực tiếp giữa Việt Nam và các thị trường trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á ngày càng thuận tiện, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, giao lưu kinh tế, văn hóa, thể thao ngày càng nhiều.

[Tăng trưởng du lịch Việt Nam: 'Số lượng không bằng chất lượng']

Ở trong nước, nhiều điểm du lịch, sản phẩm du lịch đã trở nên hấp dẫn, nổi tiếng trên thế giới, hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện, kết nối đường không, đường bộ, đường biển ngày càng thuận lợi đã dẫn đến khách chọn nước ta là điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã có dấu hiệu chậm lại do thị trường Trung Quốc giảm tới 2,8% so với cùng kỳ 2018, thị trường Australia cũng giảm nhẹ 1,2%.

“Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc giảm theo xu thế chung khi kinh tế nước này khó khăn. Khách Trung Quốc chọn đến các nước Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều điểm đến khách cũng đang theo xu hướng giảm,” đại diện Tổng cục Du lịch cho hay.

Là hãng hàng không Quốc gia mang nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho rằng, hãng không ngừng mở rộng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện, Vietnam Airlines đang khai thác 100 đường bay quốc tế và nội địa, là hãng hàng không có nhiều đường bay nhất đến châu Âu (7 đường bay đến 4 quốc gia), Australia.

“Vietnam Airlines còn hợp tác liên danh với các hãng hàng không khác trên thế giới và mở rộng thêm 95 điểm đến khác. Với việc gia nhập liên minh SkyTeam từ tháng 6/2010 đã giúp Vietnam Airlines mở rộng mạng bay, cải thiện khả năng bán, gia tăng thị phần tại các châu lục khác,” ông Trung nói.

Về vai trò của hàng không với du lịch, theo ông Trung, ngành hàng không vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong vận chuyển khách quốc tế đến Việt Nam khi chiếm đến 79%, đường bộ là 20%, còn lại 1% là đường biển. Trong 10 năm qua (2008-2018), Vietnam Airlines vận chuyển được 60 triệu lượt khách, chiếm 35% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

“Đây là con số cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong việc chuyên chở hành khách, cũng như tạo dấu ấn đầu tiên, điểm chạm đầu tiên của du khách tới văn hóa, con người Việt ngay từ trên chuyến bay,” ông Trung chia sẻ.

Cần có “nhạc trưởng” dẫn dắt

Theo các chuyên gia, việc thu hút khách quốc tế rất cần một 'nhạc trưởng' để dẫn dắt. Những năm qua, Vietnam Airlines đã quảng bá các điểm đến của hãng thông qua việc phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch địa phương phát động Tour du lịch khách từ các thị trường trọng điểm.

Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mở rộng mạng đường bay đi châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á... tổ chức các sự kiện quảng bá du lịch, phối hợp với các đại lý lớn, quảng cáo điểm đến Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.

“Ngành du lịch giống ngành hàng không về độ nhạy cảm với các vấn đề trên thế giới như kinh tế, xã hội, chính trị, dịch bệnh… Để đảm bảo phát triển du lịch ổn định đặc biệt khách quốc tế, du lịch Việt phải đa dạng, không nên quá tập trung vào một vài thị trường bởi khi các thị trường nguồn này ‘đổ bệnh’ do nền kinh tế suy thoái, chính sách thì có thể chuyển đổi ngay lập tức sang thị trường khác để phát triển, duy trì tăng trưởng,” ông Trung kiến nghị.

Du lịch Việt cần chủ động khi thị trường khách quốc tế ‘đổ bệnh’ ảnh 1Hành khách nước ngoài đang xếp hàng làm thủ tục chuyến bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhìn nhận khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tiềm năng rất lớn, ông Trung cho rằng, Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị liên quan cần phối hợp theo cùng một chủ đề như văn hóa, ẩm thực (như Nhật Bản lấy chủ đề tinh hoa ẩm thực); việc phát động du lịch cần có trọng điểm cho từng giai đoạn.

“Vietnam Airlines và Tổng cục Du lịch đang xem xét ký kết thỏa thuận hợp tác về nhiều mặt quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam và sản phẩm, dịch vụ vì lợi ích quốc gia,” vị đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

[Quảng bá du lịch Việt Nam: ‘Cuộc chơi’ cần những đột phá mới]

Phát biểu tại hội nghị, theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, trong bảy tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón gần 10 triệu lượt khách. Như vậy, trong năm tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng cần đón 1,5 triệu lượt khách mới có thể hoàn thành mục tiêu đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế đề ra.

Vì vậy, Bộ trưởng nhìn nhận, du lịch Việt Nam cần những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để giữ vững tốc độ tăng trường đang tốt của một số thị trường (Nhật Bản, Đài loan, Thái Lan), đồng thời nâng cao hơn các thị trường đang có đà giảm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia.

Với sự chung tay của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hàng không với ngành du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Thiện tin tưởng việc thu hút và giữ chân khách quốc tế sẽ thành công và mục tiêu đón lượng khách quốc tế trong năm 2019 sẽ hoàn thành.

Nhằm thu hút khách du lịch đến và quay trở lại nước ta, lãnh đạo Tổng cục Du lịch đưa ra việc làm đầu tiên chính là giải quyết các bất cập tại điểm đến du lịch về an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, hướng dẫn ứng xử văn minh tại các điểm đến du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục