Tháo gỡ vướng mắc trong khởi tố hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội

Theo nghị quyết vừa mới ban hành của Tòa án nhân dân tối cao, quy trình tố giác, xử lý hành vi tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã được rõ ràng.
Tháo gỡ vướng mắc trong khởi tố hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh 1Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 16/8 tại Hà Nội,  Toà án Nhân dân tối cao tổ chức buổi lễ công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Có luật vẫn khó xử phạt

Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung 3 tội danh là tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, mặc dù các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên những quy định này  vẫn còn mang tính chất định tính, chung chung, có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật.

Trong khi đó, theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tính đến cuối tháng 7 số nợ lên tới trên 6.000 tỷ đồng, đơn vị nợ đọng trên 55.000 đơn vị, đối tượng tác động lên tới hang trăm nghìn lao động.

“Hiện nay, các tình tiết, hành vi vi phạm trong quy định có nhiều điểm cần phải hướng dẫn, trong đó, tư cách của cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tố tụng chưa cũng được hướng dẫn cụ thể. Đối với các hành vi phạm trước năm 2018 xử lý như thế nào cũng là khó khăn, vướng mắc,” ông Đào Việt Ánh nói.

Trước thực tế đó, việc ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều luật về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là hết sức cần thiết.

Tháo gỡ vướng mắc trong khởi tố hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh 2Bất kỳ ai phát hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng có quyền gửi đơn tố cáo. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Ai cũng có thể tố giác trốn đóng bảo hiểm

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong Tòa án nhân dân, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8 hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế và Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

[Chi trả hơn 159.300 tỷ đồng giải quyết các chế độ bảo hiểm]

Nghị quyết gồm 8 điều tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh, giải thích thuật ngữ, giải thích một số tình tiết định khung hình phạt, một số trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành vì trốn đón trước ngày 1/1/2018, xác định tư các tố tụng của cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, theo quy định của Bộ Luật hình sự, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn, mà bất kỳ ai phát hiện hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng có quyền gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để xem xét khởi tố.

“Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không còn là hành vi khởi kiện dân sự. Công đoàn nếu thấy có dấu hiện vi phạm có quyền gửi văn bản đến cơ quan điều tra xem xét khởi tố,” ông Nguyễn Trí Tuệ nói.

Nghị quyết đã xác định trách nhiệm của tổ chức công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình khởi tố. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng hướng dẫn xử lý đối với những hành vi vi phạm trước vào sau thời điểm 1/1/2018. Việc bị xử phạt hành chính trước 1/1/2018 sẽ không được coi là căn cứ truy cứu tách nhiện hình sự.

Việc ban hành nghị quyết hướng dẫn là hết sức cần thiết, đây là tội danh mới cần được áp dụng thống nhất. Dối tượng tham gia lớn, 90% dân số, số lượt thụ hưởng gấp đôi dân số.. phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai của bảo hiểm xã hội.

Ông Đào Ngọc Ánh cho rằng, các nội dung  hướng dẫn của nghị quyết đã cơ bản, giải quyết được những vướng mắc hiện nay.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là những chính sách an sinh xã hội cơ bản của đất nước. Việc ban hành nghị quyết sẽ tăng cường tính răn đem cảnh báo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các quy định pháp luật, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo thông tin sâu rộng đến các cán bộ thẩm phán, hệ thống tư pháp trong quá trình thực hiện nghị quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục