Bộ Nội vụ cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp huyện, xã

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết theo quan điểm Bộ Nội vụ và các bộ, ngành của Chính phủ sẽ đồng hành cùng các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ sắp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Bộ Nội vụ cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp huyện, xã ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, cả nước có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp và 42 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là 20 và cấp xã là 623 đơn vị.

Theo kế hoạch, các địa phương phải gửi phương án sáp nhập về Bộ Nội vụ để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền hạn chót vào ngày 31/8 tới. Tuy nhiên, đến nay, một số địa phương vẫn chưa có phương án tổng thể về sắp xếp cấp huyện, cấp xã.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch của Chính phủ.

- Cho đến thời điểm hiện tại, một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ninh vẫn chưa có phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp huyện, xã như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Hiện chỉ còn 4 địa phương chưa có phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã gửi về Bộ Nội vụ. Việc này nếu như để kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 32 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc và xuống tận nơi, theo quan điểm Bộ Nội vụ và các bộ, ngành của Chính phủ sẽ đồng hành cùng các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

[Sáp nhập đơn vị hành chính: Sẽ giảm được 4 huyện, 539 xã]

Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi có rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở những đơn vị hành chính nằm trong diện phải sáp nhập, chứ không phải là khó khăn từ phía người dân.

Tôi cho rằng, nhân dân, cử tri rất ủng hộ thực hiện việc này, bởi nó góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy chính quyền.

Khó khăn nhất hiện nay là xử lý đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư như thế nào, có phải tinh giản biên chế hết không, hay giải quyết thôi việc, hay tạo điều kiện cho họ có những vị trí công tác ở những cơ quan khác nếu họ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn từ cấp huyện cho đến cấp sở, ngành trở lên.

Đây là vấn đề quan trọng nhất, cũng là vấn đề mà Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương đang quan tâm, nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ này nhưng vẫn bảo đảm được quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nằm trong diện dôi dư sau khi sắp xếp, không để ai bị thiệt thòi.

- Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nay của ngành Nội vụ, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận thực tế, khi triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, tiến độ có chậm so với quy định do trong quá trình xây dựng đề án còn có nhiều vướng mắc, đặc biệt là tâm lý của các địa phương. Theo ông, vấn đề này cần giải quyết như thế nào cho thấu đáo, vì thực tế việc giải quyết khó nhất, động chạm nhất vẫn là con người, liên quan đến lợi ích của họ?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Đây là vướng mắc địa phương nào cũng gặp phải, nhưng vì sao chỉ còn một số địa phương chưa thực hiện được? Lý do bởi những địa phương đó chưa có sự quyết tâm và chưa tâm huyết trong việc giải quyết này nên mới nêu ra như vậy. Thành phố Hồ Chí Minh chính là một trong số bốn địa phương chưa có phương án sắp xếp gửi về Bộ Nội vụ.

Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Thành phố và sẵn sàng đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác như Hà Nội, Quảng Ninh là những đơn vị chưa có phương án, để cùng xây dựng phương án báo cáo Chính phủ và Thủ tướng xem xét.

Bộ Nội vụ cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp huyện, xã ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Vừa qua, một số địa phương đề nghị chưa tiến hành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện trong giai đoạn 2019-2021. Quan điểm của Bộ Nội vụ về vấn đề này như thế nào? Nguyên nhân vì sao các địa phương trên kiến nghị chưa tiến hành sắp xếp?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Thứ nhất, địa phương đó vẫn còn lúng túng, các cấp chính quyền ở cấp huyện, xã cũng như đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã chưa thống nhất về chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính.

Thứ hai, khi sắp xếp, đương nhiên sẽ có một lượng cán bộ công chức dôi dư nhưng địa phương lại chưa xác định được các giải pháp để giải quyết số lượng này như thế nào. Vì vậy cũng có tâm lý ngại, né tránh và không muốn làm.

Hà Nội có nêu vấn đề đang thực hiện thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Việc thí điểm đó thực hiện từ 2021 nhưng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã chỉ thực hiện trong năm 2019 này, năm 2020 đã tiến hành Đại hội Đảng các cấp rồi.

Đối với những địa phương đang gặp khó khăn, đang vướng hoặc có tâm lý né tránh chưa quyết tâm thực hiện, Bộ Nội vụ cùng với một số bộ, ngành Trung ương liên quan, các ban Đảng, Văn phòng Quốc hội… sẵn sàng đồng hành, cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình sắp xếp.

Bộ Nội vụ đã làm việc với các địa phương này. Các địa phương đang làm các phương án để gửi về Bộ Nội vụ. Quan điểm nhất quán là phải thực hiện, không thể bàn lùi.

- Đi vào thực tế, một số ý kiến còn băn khoăn về việc xã nông thôn mới sáp nhập với xã chưa được công nhận là nông thôn mới, vậy xử lý vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Vấn đề này trong Nghị quyết 32 của Chính phủ đã đề cập. Không chỉ vấn đề nông thôn mới mà cả các xã đang hưởng các chính sách khác, khi nhập vào vẫn được đảm bảo tiếp tục thực hiện cho đến năm 2021 sẽ xác định lại. Nếu xã này nằm trong diện được hưởng chính sách sẽ tiếp tục được hưởng, nếu không đủ điều kiện thì thôi.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục