Nụ cười của học trò vùng lũ quét trong ngày khai giảng năm học mới

Hòa chung không khí phấn khởi của học sinh cả nước bước vào năm học mới, học sinh các vùng lũ quét ở Hà Giang, Yên Bái, hòa Bình cũng nô nức đến trường dự lễ khai giảng.
Nụ cười của học trò vùng lũ quét trong ngày khai giảng năm học mới ảnh 1Các em học sinh ở một số nơi phải đi bộ 1 giờ đồng hồ, băng qua những điểm sạt lở để đến trường khai giảng năm học mới. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Hòa chung không khí phấn khởi của học sinh cả nước bước vào năm học mới, sáng 5/9, trên 200.000 học sinh các dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang đã nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học 2018-2019.

Tại các trường Mầm non Lùng Tám, Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Tám, Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lùng Tám, thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, không khí khai giảng rộn ràng khá sớm. Đây là tâm điểm của trận lũ quét lịch sử xảy ra vào cuối tháng Sáu, gây thiệt hại nặng nề về người và của tại tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Quản Bạ nói riêng. Ngay từ sáng sớm, các học sinh đã có mặt trong khuôn viên trường với quần áo chỉnh tề, đeo khăn quàng đỏ.

Thầy giáo Vàng Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lùng Tám cho biết năm học 2018-2019, nhà trường có 320 em, trong đó có 184 em lưu trú tại trường. Đợt lũ lịch sử vừa qua đã khiến bùn, đất đá tràn vào các lớp học nên trang thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng.

Để khẩn trương ổn định lại trường lớp, ngay sau trận lũ quét, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng tại chỗ, nhà trường đã huy động tất cả giáo viên kiểm tra lại cơ sở vật chất cũng như rà soát lại toàn bộ trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường, khắc phục ảnh hưởng do mưa lũ gây ra.

Trong trận lũ quét lịch sử vừa qua, nhiều trường học, lớp học ở xã Lùng Tám bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, được sự quan tâm của tỉnh, nhiều tổ chức xã hội, từ thiện, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học cơ sở Lùng Tám được xây mới 6 phòng học kiên cố, 6 phòng làm việc cho cán bộ, giáo viên và 6 phòng lưu trú cho học sinh.

Ông Lê Trung Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quản Bạ cho biết sáng 5/9, toàn huyện Quản Bạ đã tổ chức lễ khai giảng ở tất cả các điểm trường chính. Đối với vùng tâm lũ như ở các xã Tùng Tám, Cán Tỷ, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tổ chức khai giảng tại một trường chính.

Theo bà Lê Thị Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Xuyên (Hà Giang), không chỉ ở xã Lùng Tám (Quản Bạ), trận lũ quét lịch sử xảy ra vào cuối tháng 6/2018, đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất cho ngành giáo dục huyện Vị Xuyên. Mưa lũ đã làm sập đổ, tốc mái phòng học; bùn đất tràn vào phòng học, sân trường gây hư hại nhiều trang thiết bị dạy và học.

[Hình ảnh học sinh gian nan vượt lũ tới trường dự lễ khai giảng]

Để đảm bảo cho ngày khai giảng, Thường trực Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn xuống các trường chung tay với giáo viên, học sinh khắc phục hậu quả thiên tai và chuẩn bị tốt công tác khai giảng.

Trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 3 trường thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ quét, gồm: trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học B Thuận Hòa, trường Tiểu học B Minh Tân, trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Bồ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết để năm học 2018-2019 diễn ra theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao, Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đầu tư nguồn vốn lớn cho việc xây dựng mới cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học từ nguồn ngân sách và các nguồn vốn huy động xã hội hóa.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học tại vùng sâu, vùng xa, biên giới đến trường, giảm tỷ lệ tối đa trẻ trong độ tuổi bỏ học giữa chừng, học sinh đi học không đúng độ tuổi, thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp.

Tại Yên Bái, cùng với học sinh cả nước, các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn đã nô nức tới trường khai giảng năm học mới.

Nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của các cấp, các ngành và của cộng đồng, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành giáo dục và đào tạo, hầu hết các điểm trường bị thiệt hại bởi mưa lũ đã cơ bản khắc phục được hậu quả thiên tai.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền là một trong những trường bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ xảy ra vào cuối tháng Bảy vừa qua, trường có 4 điểm trường lẻ, trong đó có một điểm trường ở thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền bị mưa lũ làm sập 4 phòng học và không thể sử dụng được.

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền có 490 học sinh ở 2 cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số. Năm học này, các phòng học ở điểm trường Vàng Ngần bị sập đổ hoàn toàn nên nhà trường đã đưa 32 học sinh tại điểm trường Vàng Ngần ra học tại trung tâm xã (cách gần 50 km) và cho các em ở bán trú.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền hiện đang bị thiếu phòng học và phòng ở bán trú. Trường có 11 lớp nhưng chỉ có 7 phòng học, 155 em học sinh ở bán trú nhưng trường chỉ có 3 phòng đôi và 1 phòng đơn, phòng đôi chỉ ở được 24 em, nhưng do thiếu phòng nên nhà trường đã phải bố trí mỗi phòng đôi là 48 em. Việc sinh hoạt của các em ở bán trú vì vậy gặp rất nhiều khó khăn.

Thầy Nguyễn Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Suối Quyền cho biết để giúp trường khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng 2 phòng đôi cho các học sinh bán trú ở. Do thiếu mặt bằng nhà trường đã vận động những hộ dân ở gần hiến một phần đất để xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú.

Sau mưa lũ, huyện Văn Chấn có 5 xã bị thiệt hại, nhiều điểm trường bị ảnh hưởng nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường đã dần khắc phục hậu quả thiên tai. Các thầy cô còn đến từng nhà vận động các em học sinh đến lớp.

Nụ cười của học trò vùng lũ quét trong ngày khai giảng năm học mới ảnh 2Các em học sinh ở một số nơi phải đi bộ 1 giờ đồng hồ mới đến được trường học. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Ông Phan Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết sau mưa lũ, phòng đã chỉ đạo các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả. Đến thời điểm này, 100% học sinh trên địa bàn huyện đã ra lớp.

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Yên Bái có 440 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và phổ thông với quy mô gần 6.700 lớp với trên 211.600 học sinh. So với năm học trước toàn tỉnh tăng 5 trường, 88 lớp với hơn 5.700 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ huy động ra lớp 1 và tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6 đạt rất cao.

Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cũng chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở trường học quan tâm huy động học sinh đầu cấp, học sinh tại các vùng khó khăn, học sinh vùng lũ đến trường; quan tâm hỗ trợ, không để xảy ra tình trạng học sinh trên địa bàn phải bỏ học do không đủ ăn, không đủ mặc hoặc không đủ sách vở.

Cũng trong ngày 5/9, tại các điểm trường huyện vùng cao Đà Bắc - nơi được coi là "rốn lũ" của tỉnh Hòa Bình đã tưng bừng diễn ra lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.

Năm học mới, huyện Đà Bắc có 55 điểm trường với gần 13.000 học sinh của 4 bậc học, với tổng số 640 lớp học. Để ngày khai giảng thực sự là ngày hội Toàn dân đưa trẻ đến trường, huyện Đà Bắc đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khôi phục cơ sở vật chất, hạ tầng sau các trận mưa lũ vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục