Việt Nam ‘hứng’ bao nhiêu cuộc tấn công mạng trong 8 tháng qua?

Mỗi ngày có khoảng gần 100.000 địa chỉ IP của Việt Nam truy vấn hoặc kết nối tới các mạng máy tính ma. Các loại hình tấn công mà tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin.
Việt Nam ‘hứng’ bao nhiêu cuộc tấn công mạng trong 8 tháng qua? ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: thesun.co.uk)

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho hay, trong 8 tháng đầu năm, đã có 6.567 sự cố tấn công mạng vào các trang web của Việt Nam.

Chia sẻ tại diễn tập ACID 2018, ông Đường cho biết trong số này, có 3.818 sự cố tấn công Deface (thay đổi giao diện); 1.800 sự cố tấn công Phishing (lừa đảo) và 949 sự cố tấn công Malware (mã độc).

Dẫn báo cáo của securelist.com, ông Đường thông tin Việt Nam đứng thứ 5 trong top quốc gia bị tấn công DDoS (từ chối dịch vụ) nhiều nhất quý 4/2017; đứng thứ 4 trong top các quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma (tính tới 7/1/2018).

Vẫn theo lãnh đạo VNCERT, tần suất các sự cố an toàn thông tin ở Việt Nam tăng nhanh. Mỗi ngày có khoảng gần 100.000 địa chỉ IP của Việt Nam truy vấn hoặc kết nối tới các mạng máy tính ma. Các loại hình tấn công mà tin tặc sử dụng nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin, chiếm quyền điều khiển, tấn công mã độc và tấn công ứng dụng web.

Một số xu hướng tấn công mạng nguy hiểm như nhiều loại mã độc có khả năng qua mặt các phần mềm chống virus; gia tăng tấn công DDoS; xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc tấn công có chủ đích, đặc biệt vào các hệ thống ngân hàng, tài chính kết hợp với hình thức lừa đảo; nguy cơ từ mã độc tống tiền, gia tăng xu hướng chiếm dụng máy tính nạn nhân đào tiền ảo; các website của cơ quan tổ chức tại Việt Nam là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công, có cuộc tấn công mang màu sắc chính trị; gia tăng sử dụng mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo, mạo danh, lấy cắp thông tin…

Thống kê từ hệ thống giám sát của VNCERT cũng cho thấy, 5 kỹ thuật tấn công được sử dụng nhiều nhất là do quét, khai thác lỗ hổng hệ quản trị nội dung Drupal; thiết bị di động cá nhân; khai thác lỗ hổng của phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft Word mã số CVE-2012-0158; sử dụng mã độc đào tiền ảo trên máy tính; tấn công hệ thống Active Directory để ăn cắp dữ liệu và gửi thông tin về máy chủ nước ngoài.

Ngoài ra, các trang web có kiểu tên miền “.name.vn” bị tấn công nhiều nhất, chiếm tới 44,07%; “.com.vn” với 36,58%; “edu.vn” chiếm 9,45% và “.gov.vn” chiếm 4,72%.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục