Chiến lược ‘ăn miếng trả miếng’ của Iran ở Vùng Vịnh

“Chúng tôi luôn đáp trả”, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu hôm 18/7 tại New York. Bài học, theo ông Zarif, là “đừng có đùa với Iran”.

Chú thích ảnh
Ngày 18/7, Hải quân Mỹ tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái của Iran tiếp cận gần tàu USS Boxer (ảnh) ở Eo biển Hormuz. Ảnh: Hải quân Mỹ/Getty Images

Ngày 4/7/1982, một chiếc xe biển ngoại giao chở các đặc phái viên cao cấp của Iran đã bị chặn lại bên ngoài Beirut (thủ đô Lebanon) bởi các thành viên của một nhóm vũ trang Ki-tô giáo cánh hữu. Trong số bốn hành khách có Ahmad Motevaselian, Tùy viên quân sự Đại sứ quán Iran tại Lebanon và một anh hùng nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq. Ông cũng là người giám sát việc triển khai hơn 1.000 thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran để đối phó với cuộc xâm lược Lebanon của Israel 4 tuần trước đó.

Chiếc xe của họ sau đó được tìm thấy bị bỏ lại bên đường. Iran đã kêu gọi một hành động quốc tế, đặc biệt là từ lực lượng dân quân Ki-tô giáo và các đồng minh Mỹ và Israel của họ nhằm tìm 4 con tin Iran. Nhưng không ai được tìm thấy.

Chỉ hai tuần sau đó, ngày 19/7/1982, các tay súng Iran đã bắt cóc David Dodge, quyền Chủ tịch Đại học Beirut Mỹ, ngay tại khuôn viên trường. Dodge là con tin người Mỹ đầu tiên ở Beirut. Ông đã bị giam chính xác một năm trong nhà tù Iran trước khi được trả tự do nhờ sự can thiệp của Syria.

Cuộc trả đũa “ăn miếng trả miếng” giữa Iran và Mỹ này chỉ là khởi đầu của những cuộc khủng hoảng con tin liên quan đến ngày càng nhiều nạn nhân trong các thập kỷ tiếp theo. Nó cũng tiêu biểu cho chiến lược của Iran trong đối phó với những gì họ cho là mối đe dọa.

Những vòng xoáy "ăn miếng trả miếng"

Kể từ ngày 3/5 vừa qua, nước Mỹ đã phải đối mặt một vòng xoáy căng thẳng mới với Iran. Hai quốc gia một lần nữa rơi vào cuộc chiến “ăn miếng trả miếng”. Hôm 18/7, Hải quân Mỹ đã phá hủy một máy bay không người lái của Iran (thông tin mới nhất là hai chiếc) trên eo biển chiến lược Hormuz. Chiếc máy bay bị cho là tiếp cận trong vòng bán kính 1.000m với tàu tấn công đổ bộ USS Boxer Mỹ và phớt lờ những yêu cầu di chuyển ra xa.

Xem video do Iran công bố về tàu USS Boxer của Mỹ được ghi hình bởi máy bay không người lái mà Mỹ tuyên bố bắn rơi, qua đó chứng minh chiếc máy bay vẫn an toàn (Nguồn: Press TV)

Một ngày sau, 19/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh ở Vịnh Ba Tư vì “không tuân thủ luật pháp và quy định hàng hải quốc tế”. Chủ tàu cho biết họ không thể liên lạc với con tàu Stena Impero và thủy thủ đoàn gồm 23 người kể từ khi nó bị bao vây bởi những con tàu không xác định và một máy bay trực thăng. Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng Iran cũng đã bắt giữ một tàu chở dầu thứ hai có tên MV Mesdar treo cờ Liberia vào cùng ngày.

Cuộc khủng hoảng mới nhất ở Vùng Vịnh diễn ra sau khi Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran ngoài khơi Gibraltar vào ngày 4/7. Anh cho rằng Grace 1 đang chở dầu đến Syria - vi phạm lệnh trừng phạt của châu Âu. Liên tiếp những vụ việc đã làm leo thang căng thẳng giữa Iran và phương Tây và có khả năng đe dọa an ninh của các tàu chở dầu qua Eo Hormuz. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên chiều 19/7 rằng “điều này chỉ để thể hiện những gì tôi nói về Iran. Rắc rối. Không có gì ngoài rắc rối. Tôi sẽ cho bạn thấy tôi đã đúng về Iran”.

Xem video đặc nhiệm Iran từ trực thăng tiếp cận và bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh (Nguồn: Guardian)

Chính quyền Tổng thống Trump đổ lỗi cho Iran về những căng thẳng gần đây, bao gồm các cuộc tấn công vào 6 tàu chở dầu nước ngoài trên Vịnh Oman, ngay ngoài Eo Hormuz. Ngày 20/6, Iran cũng đã bắn hạ máy bay không người lái tân tiến của Mỹ bằng một tên lửa đất đối không với cáo buộc phi cơ này xâm phạm không phận Iran, trong khi Mỹ tuyên bố máy bay của họ đang ở không phận quốc tế. Vụ việc căng thẳng đến mức Tổng thống Trump đã phê chuẩn một cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa vào Iran, song huỷ lệnh vào phút chót.

Tuy nhiên, từ quan điểm của Iran, chu kỳ “ăn miếng trả miếng” hiện tại do chính Tổng thống Mỹ khởi xướng. Tháng 5/2018, ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký giữa sáu cường quốc thế giới (Nhóm P5+1) và Iran từ năm 2015. Tháng 11/2018, Tổng thống Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran vốn đã được dỡ bỏ theo thoả thuận hạt nhân nói trên.

Chính quyền Mỹ hiện nay tuyên bố tìm cách cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran xuống 0% để buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này phải nhượng bộ hơn nữa về chương trình hạt nhân cũng như ngừng hỗ trợ các nhóm cực đoan, phát triển tên lửa, can thiệp vào Trung Đông. Iran đã phản ứng lại với tuyên bố sẽ buộc "những người khác phải chịu hậu quả" nếu họ không được phép xuất khẩu dầu.

Đó chỉ là cuộc khủng hoảng “con gà – quả trứng” mới nhất giữa hai quốc gia. Các vụ việc tương tự đã diễn ra liên tục trong các cuộc đối đầu giữa Iran với các đối thủ trong khu vực và quốc tế kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Một số trong những xung đột này vẫn đang diễn ra; mỗi vụ lại đổ thêm một lớp làm phức tạp hơn cách giải quyết cho bất kỳ xung đột nào trong số đó.

Chiến lược "ăn miếng trả miếng" qua các cuộc chiến trong lịch sử

Vào những năm 1990, người Iran vẫn kiên trì đòi trả tự do cho các nhà ngoại giao mất tích. Trong khi đó, người Mỹ tiếp tục biến mất khỏi đường phố Beirut. Vào năm 1988, Ali Akbar Hashemi Rafsanć, vị Chủ tịch đầy quyền lực của Quốc hội Iran, đã đề nghị một cuộc trao đổi, 4 người Iran đổi lấy 9 con tin người Mỹ ở Lebanon. “Nếu các ông quan tâm đến việc người của các ông bị bắt làm con tin ở Lebanon, thì hãy nói với người Ki-tô giáo thả người của chúng tôi, những nạn nhân đã ở trong tay họ nhiều năm và chúng tôi không có tin tức gì”, ông Rafsanjani nói. Năm 1990, Tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush cam kết giúp tìm các con tin Iran. “Tôi đã muốn làm gì đó. Và tôi nghĩ rằng họ sẽ coi đây là một cử chỉ thiện chí có thể dẫn đến việc Tehran giúp trả tự do cho những người Mỹ cuối cùng ở Lebanon”, ông Bush sau này chia sẻ.

Chiến lược “ăn miếng trả miếng” của Iran đặc biệt rõ ràng trong cuộc chiến kéo dài 8 năm với Iraq. Năm 1981, Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã mở một mặt trận mới bằng cuộc không kích vào các tàu chở dầu của Iran ở vùng Vịnh. Năm 1984, ông Saddam còn lệnh tấn công đảo Kharg, cảng dầu quan trọng của Iran ở Vịnh Ba Tư và một số tàu chở dầu. Vốn đã kiềm chế, lúc này Tehran bắt đầu phản công. “Cuộc chiến tàu chở dầu” trở thành mối đe dọa với nền năng lượng toàn cầu. Mỹ bị cuốn vào chiến dịch bảo vệ tàu Iraq, và phải trả một cái giá khá đắt. Năm 1987, máy bay chiến đấu Iraq đã tấn công nhầm vào tàu USS Stark của Mỹ khi đang thay Iraq tuần tra ở Vùng Vịnh. 37 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, năm 1988, Iraq đã tấn công hơn 280 tàu chở dầu của Iran; Iran tấn công 168 tàu ​​chở dầu làm ăn với Iraq hoặc các đồng minh Arab ở Vùng Vịnh.

Chú thích ảnh
Tàu chở dầu Norman Atlantic của Singapore bị vạ lây trong cuộc chiến Iran-Iraq khi bị tàu Iran tấn công. Ảnh: mintpressnews.com

Mô hình tương tự cũng diễn ra giữa hai quốc gia trong “cuộc chiến các thành phố". Ông Saddam Hussein mong đợi một chiến thắng quân sự nhanh chóng chống lại Iran. Khi cuộc chiến kéo dài, cuối cùng, Iraq bắt đầu nhắm vào các thành phố của Iran nằm cách xa chiến tuyến như Tehran, Isfahan, Shiraz và Tabriz. Iran lập tức đáp trả. Đến năm 1988, Iraq đã bắn hơn 500 tên lửa vào các khu vực dân sự. Iran đã bắn 117 quả tên lửa Scud vào các thành phố của Iraq, đặc biệt là Baghdad, Kirkuk và Basra. Hàng trăm ngàn người thiệt mạng ở cả hai phía của cuộc xung đột. Tổng cộng, có hơn một triệu thương vong.

“Chúng tôi nói rằng, ‘các ông có thể bắt đầu một cuộc chiến, nhưng các ông sẽ không phải là người kết thúc cuộc chiến đó”, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố.

Chú thích ảnh
Thuyền của lực lượng bán quân sự Iran trên Vùng Vịnh trong "cuộc chiến tàu chở dầu". Ảnh: wikipedia

Mô hình “ăn miếng trả miếng” được lặp lại trong cuộc can thiệp của Mỹ vào Afghanistan sau loạt vụ khủng bố 11/9/2001 và cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003. Tehran coi việc triển khai hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ ở biên giới phía tây và phía đông nước này là mối đe dọa an ninh. Ở cả hai quốc gia, Iran được cho là đã cung cấp các thiết bị nổ cho quân nổi dậy để gây áp lực buộc Mỹ rút quân.

Mặc dù phải trả giá bằng mạng sống của người Mỹ, nhưng sự hỗ trợ quân sự này không đủ để Washington biện minh cho một cuộc tấn công Iran. 

Tờ New Yorker cho rằng trong việc đối phó với Iran, thách thức là tìm ra chìa khóa để phá vỡ chu kỳ “ăn miếng trả miếng”. Người Iran có một lịch sử lâu đời, và cả những ký ức lâu dài. “Chúng tôi sẽ sống sót, chúng tôi sẽ thịnh vượng, rất lâu sau khi Tổng thống Trump không còn nữa”, Ngoại trưởng Zar Zarif nói hôm 18/7. “Thời gian của chúng tôi tính bằng thiên niên kỷ”.

Nhưng ngay cả khi căng thẳng leo thang, những nhân vật vật chủ chốt ở cả Washington và Tehran dường như vẫn quan tâm đến việc ngăn chặn một cuộc chiến bùng nổ. Tuần trước, tờ Politico đưa tin Tổng thống Mỹ đã đồng ý (trong một trận đấu golf ̣) với đề nghị của Thượng nghị sĩ Rand Paul, về việc gặp Ngoại trưởng Iran Zarif trong chuyến thăm Liên hợp quốc. Ông Trump đã bỏ qua những lời khuyên “diều hâu” về đối phó Iran, đáng chú ý là từ Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người đã ủng hộ thay đổi chế độ ở Tehran trước khi nhận công việc tại Nhà Trắng. 

Chú thích ảnh
"Nếu Iran muốn đánh nhau, đó sẽ cái kết chính thức cho Iran. Đừng bao giờ đe doạ nước Mỹ một lần nữa", Tổng thống Trump đăng trên Twitter hôm 21/7. Ảnh: AP

Trong khi đó, Ngoại trưởng Zarif đã đưa ra những phác thảo sơ bộ của một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc ngoại giao. Iran sẽ sẵn sàng ký Nghị định thư bổ sung, cung cấp cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nhiều công cụ hơn để xác minh việc sử dụng vật liệu hạt nhân của Iran. Nghị định thư này cũng sẽ cung cấp một cách để giải quyết những lo ngại về cái gọi là “mệnh đề hoàng hôn” trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - cho phép dỡ bỏ hạn chế đối với các chương trình của Iran. Đổi lại, Washington sẽ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran, ngay cả khi nước này không ký lại thỏa thuận hạt nhân ban đầu.

Tuy nhiên, đề xuất của Iran không bao gồm các vấn đề khác mà Chính quyền Tổng thống Trump muốn giải quyết, liên quan đến sự hậu thuẫn của Tehran cho các phong trào cực đoan, can thiệp vào Trung Đông, thử tên lửa và lạm dụng nhân quyền - theo cáo buộc của Washington.

Bốn người Iran biến mất ở Beirut chưa bao giờ được tìm thấy, nhưng Chính quyền Tổng thống Bush đã điều tra vụ việc và đi đến kết luận rằng họ bị dân quân Ki-tô giáo xử tử. Sự mất tích của họ hiện được tưởng niệm hàng năm vào ngày 4/7 tại Iran; thuyết âm mưu về số phận của 4 người cũng tăng lên theo thời gian. Các quan chức gần đây tuyên bố rằng dân quân Ki-tô giáo đã trao trả những người này cho Israel, nơi họ đã bị cầm tù từ năm 1982. Trong tháng 7 này, vào ngày kỷ niệm 37 năm vụ bắt cóc, Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố đổ lỗi một phần cho Mỹ về vụ việc năm xưa.

Nếu một vụ việc đơn giản như vậy vẫn không thể giải quyết được, thật khó để hình dung những tiến triển đạt được đối với các vấn đề nặng nề hơn như chương trình hạt nhân, sự an toàn của các nguồn cung cấp năng lượng của thế giới và xung đột ở Vùng Vịnh, vốn khiến Mỹ trong vài tuần qua phải triển khai nhiều binh sĩ, tàu chiến và máy bay ném bom đến khu vực bất ổn nhất thế giới này.

Thu Hằng/Báo TIn tức
Trung Quốc bất ngờ hưởng lợi từ 'sự cố' tàu chở dầu giữa Iran và Anh
Trung Quốc bất ngờ hưởng lợi từ 'sự cố' tàu chở dầu giữa Iran và Anh

Các công ty vận tải đang tìm phương án để đảm bảo hoạt động thương mại dầu mỏ tại Eo biển Hormuz, nơi đang diễn ra đòn trả đũa lẫn nhau bắt giữ tàu chở dầu giữa Iran và Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN