Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công vụ tại 3 bộ

Tổ công tác cho rằng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, một số đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Y tế còn sử dụng vượt biên chế được giao, một số viên chức tuyển dụng chưa đủ tiêu chuẩn.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công vụ tại 3 bộ ảnh 1Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Nguồn: Bộ Nội vụ)

Ngày 23/7, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng, do Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác làm trưởng đoàn, đã kiểm tra 3 Bộ: Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện các hoạt động công vụ.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết đến năm 2019, toàn ngành có 29/82 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính với tổng số 29.153 người làm việc, theo đó, đã giảm chi lương và các khoản phụ cấp từ ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ chỉ quản lý trực tiếp 20/82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ (gồm các trường và các bệnh viện hạng đặc biệt). Số còn lại sẽ chuyển giao cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

Về tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, Bộ Y tế đã sắp xếp các phòng trong các vụ, cục, giảm từ 94 phòng xuống còn 59 phòng và giảm khoảng 105 lãnh đạo cấp phòng.

Đối với hệ thống y tế tuyến tỉnh, Bộ Y tế sẽ thực hiện mô hình Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm có chức năng tương đồng, như vậy sẽ giảm được 315 đơn vị đầu mối tuyến tỉnh.

Đối với hệ thống y tế tuyến huyện, sẽ thống nhất mô hình Trung tâm y tế huyện thực hiện chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng..., như vậy sẽ giảm được 713 đầu mối đơn vị.

Ghi nhận những kết quả của Bộ Y tế trong sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế, song, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lưu ý Bộ Y tế còn nhiều trường hợp bổ nhiệm thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, bổ nhiệm lại chậm.

Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong đảm bảo tinh gọn; đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, phải coi người bệnh là "khách hàng."

Cùng với đó, chấm dứt tình trạng sử dụng hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, xử lý dứt điểm những hạn chế về công tác cán bộ theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị; kịp thời điều chỉnh vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập.

Các thành viên Tổ công tác cho rằng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, một số đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Y tế còn sử dụng vượt biên chế được giao, một số viên chức tuyển dụng chưa đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện; đặc biệt, trong công tác xét tuyển đặc cách viên chức; đề nghị Bộ bổ sung kết quả đánh giá công chức, viên chức từ năm 2015 đến nay; báo cáo rõ kế hoạch tự kiểm tra, thanh tra các đơn vị thuộc và trực thuộc, đảm bảo đến hết năm 2019, 100% đơn vị được kiểm tra về công vụ.

Rà soát các trường hợp đề bạt, bổ nhiệm chưa đúng quy định

Báo cáo với Tổ công tác, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn cho biết năm 2019, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên của Bộ là 6.559 chỉ tiêu, so với thời điểm năm 2015 đã giảm 431 chỉ tiêu.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tự đảm bảo chi thường xuyên tự quyết định số lượng người làm việc là 560 chỉ tiêu.

[Kiến nghị thu hồi quyết định bổ nhiệm sai quy định tại Tuyên Quang]

Giai đoạn 2015-2018, Bộ đã tinh giản được 83 trường hợp, với tổng kinh phí giải quyết gần 8,5 tỷ đồng.

Về tinh gọn bộ máy, Bộ đã giảm được 1 cơ quan hành chính và 1 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ; giảm 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục; giảm 299 phòng và tổ chức tương đương.

Bộ cũng đang hoàn chỉnh đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, trình Thủ tướng phê duyệt trong quý 3/2019, dự kiến sẽ giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về tuyển dụng công chức từ năm 2012 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 2 đợt thi tuyển công chức, năm 2014 đã tuyển dụng được 45/66 chỉ tiêu; năm 2017 đã tuyển dụng 52/98 chỉ tiêu.

Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, Bộ đã quyết định tuyển dụng 43 trường hợp không qua thi tuyển, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Bộ cũng tuyển dụng 755 viên chức từ năm 2012 đến nay cho 39 đơn vị sự nghiệp công lập.

Về số lượng cấp phó, riêng Văn phòng Bộ do sáp nhập Cục Công tác phía Nam nên số lượng cấp phó là 4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiến hành kiện toàn, sắp xếp để bố trí số lượng cấp phó đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Đánh giá Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, là một trong số bộ, ngành làm tốt công tác này, tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng chỉ ra những hạn chế của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch như trong một số lễ hội dân gian còn có các hoạt động mê tín dị đoan, do đó Bộ cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm, ban hành thể chế kịp thời để chấn chỉnh, đảm bảo các hoạt động văn hóa lành mạnh. Việc giao quyền tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn hạn chế.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công vụ tại 3 bộ ảnh 2Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Anh Tuấn báo cáo tại buổi kiểm tra. (Nguồn: Bộ Nội vụ)

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ; rà soát và khắc phục các trường hợp đề bạt, bổ nhiệm chưa đúng quy định theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ, đảm bảo 100% các đơn vị được kiểm tra trong năm 2019; tổ chức sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.

Số lượng cấp phó còn vượt quá quy định

Kiểm tra công vụ tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ công tác cho rằng báo cáo của Bộ sơ sài, chưa có số liệu cụ thể đối với các nội dung theo yêu cầu kiểm tra như số lượng người làm việc có mặt tính đến thời điểm hiện tại, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, số lượng lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các cấp và số lượng cấp phó theo quy định...

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn một số trường hợp lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn; số lượng cấp phó ở một số cơ quan, đơn vị còn vượt quá quy định.

Tổ công tác đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo công tác tuyển dụng công chức từ năm 2016 đến nay; việc khắc phục những hạn chế theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ; bổ sung kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập như: Đề án sáp nhập, giải thể các trường đại học công lập; đề án sắp xếp các trường sư phạm...

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 26, Quyết định số 1847 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và các văn bản về phòng chống tham nhũng vặt của Bộ còn hạn chế, việc chạy trường, chạy lớp; tham nhũng trong giáo dục vẫn còn diễn ra.

Về quản lý biên chế giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương để quản lý cho tốt. Việc tinh giản biên chế và công tác bổ nhiệm còn nhiều bất cập, phê duyệt đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp còn chậm, chưa tham mưu trình Chính phủ về đề án sắp xếp các cơ sở giáo dục và đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo quyết liệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ rà soát và khắc phục các trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ như tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm... theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương để sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn.

Cùng với đó, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ đạo quyết liệt trong việc tinh giản biên chế và bổ sung, hoàn thiện số liệu liên quan theo đề nghị của Tổ công tác.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Thị Thanh Nhàn cho biết năm 2016, Bộ đã giải quyết chế độ tinh giản biên chế cho 36 trường hợp (gồm cả công chức và viên chức); năm 2017, tinh giản 17 trường hợp và năm 2018, tinh giản 14 trường hợp.

Bộ đã tuyển dụng 22 công chức làm việc tại 10 đơn vị thuộc cơ quan Bộ theo hình thức thi tuyển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục