Hoạt động M&A chững lại: Nguyên nhân một phần do nội tại nền kinh tế

‘Năm 2018, tổng giá trị các giao dịch là 7,64 tỷ USD và bằng 74,9% so với năm 2017. Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018.'
Hoạt động M&A chững lại: Nguyên nhân một phần do nội tại nền kinh tế ảnh 1Hoạt động M&A trong hai năm 2018-2019 tập trung vào hai lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Sáu tháng đầu năm, tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) được công bố tại Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018 với 3,55 tỷ USD). Bên cạnh đó giá trị nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước trong 6 tháng là đạt 2,64 tỷ USD.”

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư chia sẻ thông tin trên tại buổi họp báo cung cấp các thông tin chính thức về Diễn đàn M&A Việt Nam 2019, ngày 23/7.

[Các ‘ông lớn’ FDI tiếp tục rót vốn vào ngành bán lẻ của Việt Nam]

Theo ông này, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ, tổng giá trị các thương vụ giao dịch M&A tại Việt Nam đạt khoảng 50 tỷ USD. Riêng trong năm 2018, tổng giá trị các giao dịch là 7,64 tỷ USD và bằng 74,9% so với năm 2017, đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn đến từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của Singapore, HongKong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Cụ thể, các lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất trong hai năm 2018-2019 là sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản…

Thời gian qua, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và sáu tháng đầu năm 2019 có dấu hiệu chững lại. Do đó, ông Minh cho rằng, “các cấp quản lý cần có sự tháo gỡ về rào cản và phải ra tay quyết liệt thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đầu tư.” 

Trong bối cảnh hiện nay, hàng loạt những chuyển động chính sách như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Bên cạnh những yếu tố khách quan về việc thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc, thách thức từ nội tại như các trở ngại trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông…, sẽ là những nguyên nhân tác động đến các hoạt động M&A trong thời gian tới.

“Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 tỷ USD – 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn,” ông Minh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục