Nhiều doanh nghiệp ở Canada chưa bao giờ biết tới các thỏa thuận FTA

Kết quả cuộc khảo sát của Chính phủ Canada cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu đang rất mơ hồ về các FTA.
Nhiều doanh nghiệp ở Canada chưa bao giờ biết tới các thỏa thuận FTA ảnh 1(Nguồn: forums.canadiancontent.net)

Kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Chính phủ Canada cho thấy một thực tế “phũ phàng” là trong khi Ottawa nỗ lực để đạt được các thỏa thuận thương mại quốc tế thì tại “sân nhà,” nhiều doanh nghiệp trong nước chưa bao giờ tận dụng, thậm chí là chưa bao giờ nghe tới các thỏa thuận này.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tại cuộc họp thượng đỉnh Canada-Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc tuần trước, Thủ tướng Justin Trudeau đã đề nghị các đối tác châu Âu hoàn tất Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện EU-Canada (CETA).

Không chỉ phải giục giã EU, Ottawa còn phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục các doanh nghiệp trong nước tận dụng và phát huy tối đa hiệp định này.

CETA có hiệu lực vào tháng 9/2017 và cho đến nay mới chỉ có 13 trong tổng số 28 nước thành viên EU và Canada phê chuẩn. Hiệp định này giúp các doanh nghiệp Canada dễ dàng tiếp cận với nửa tỷ người tiêu dùng châu Âu, một thị trường có giá trị khoảng 24.000 tỷ CAD (trên 18.000 tỷ USD).

[CETA là chủ đề "nóng" tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Canada]

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Canada hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu - vốn được xác định là những đối tượng được hưởng lợi từ CETA - lại đang rất mơ hồ về hiệp định này. Cụ thể, chỉ 7% trong tổng số 507 doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát, hiểu biết chi tiết về CETA, trong khi chưa đến 75% các doanh nghiệp có “nghe nói” về hiệp định. Chỉ 9% các doanh nghiệp nói rằng họ đang tận dụng lợi thế trong CETA và 17% có kế hoạch sử dụng CETA.

Đáng chú ý là CETA không phải là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) duy nhất cần được Chính phủ Canada tăng cường quảng bá đến các doanh nghiệp. Mức độ hiểu biết về các FTA của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Canada nói chung khá thấp. Chỉ có một số ít các doanh nghiệp đang áp dụng các FTA này, ngoại trừ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - nay là USMCA.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Canada đã phải "vật lộn" để thuyết phục các doanh nghiệp theo đuổi các cơ hội mà các FTA mới đem lại, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Tình trạng bất ổn trong quan hệ thương mại Canada-Mỹ có xu hướng gia tăng, khiến nhu cầu phải đa dạng hóa thị trường trở nên cấp bách hơn với các doanh nghiệp Canada.

Một kết quả thống kê có thể khiến nhiều nhà phân tích “giật mình,” theo đó chỉ 7% các doanh nghiệp có hiểu biết một cách chi tiết về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng chỉ trên 70% các doanh nghiệp từng nghe nói về CPTPP. Trong khi đó, CPTPP đem đến cho các doanh nghiệp Canada cơ hội tiếp cận các thị trường năng động nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh CPTPP đã có hiệu lực, các nhà xuất khẩu Canada có thể tận dụng lợi thế của việc giảm thuế quan trên tất cả các lĩnh vực, như nông nghiệp, chế biến nông sản, hải sản, hàng công nghiệp và máy móc, lâm sản...

Tình trạng cũng tương tự với các FTA khác. Phần lớn các doanh nghiệp Canada chia sẻ rằng họ chưa bao giờ nghe tới các FTA mà Canada đã ký với Ukraine, Israel, Chile, Hàn Quốc, Jordan, Panama, Colombia, Costa Rica, Peru hay Honduras.

Các thị trường nước ngoài hàng đầu nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp Canada hiện đều là các nước trong Khối thịnh vượng chung như Australia, New Zealand và Vương quốc Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục