Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 5): Tiếng chuông Trấn Vũ và món 'canh gà Thọ Xương'

22/07/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện khôi hài về bài văn mà có học sinh giải thích “canh gà Thọ Xương” là món “đặc sản” ẩm thực vùng ven Hồ Tây từng gây xôn xao dư luận. Tuy thế, không phải ai cũng hiểu tường tận về vế đầu tiên của câu ca “tiếng chuông Trấn Vũ”.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 4): Nhịp chày Yên Thái tắt lịm

Ký ức Thăng Long - Hà Nội (Kỳ 4): Nhịp chày Yên Thái tắt lịm

Ca dao xưa có câu: “Mịt mù khói tỏa mờ sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Nhịp chày Yên Thái trong câu ca dao là tiếng chày giã dó, một nguyên liệu chính để làm giấy.

1. Vua Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long năm 1010, phong cho thần Trấn Vũ là Huyền Thiên Trấn Vũ Chân quán coi giữ mặt thành phía Bắc. Năm 1012, vua cho xây miếu thờ Trấn Vũ ở gần thành nhưng không rõ địa điểm nào, Đại Việt sử ký chỉ ghi gần đầm Thân Cáo.

Năm 1474, Lê Thánh Tông cho tu tạo lại Hoàng thành, mở rộng diện tích, xây Trấn Vũ quán ở bên ngoài tường thành tức là vị trí hiện nay. Gọi là Trấn Vũ quán vì có tượng đúc hình đạo sĩ và nơi là trung tâm hành lễ của Đạo giáo.

Thời thịnh của thi cử Nho học, sĩ tử thường vào đây xin thơ thánh giáng cầu mộng. Những chuyện mộng mị ấy được chép thành một pho sách có tên Trấn Vũ thần mộng ký.

Chú thích ảnh
Tượng Trấn Vũ trong đền Quán Thánh

Ngoài tên Trấn Vũ, người dân Hà Nội quen gọi là đền Quán Thánh vì nằm trên phố Quán Thánh nhưng cũng còn một nghĩa khác là “quán của Thánh”.

Trấn Vũ là tên gọi của thần Chân Vũ, người Việt còn gọi là Trấn Võ, là một trong những vị thần được thờ phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. Vị thần này tượng trưng cho sao Bắc cực, và là một vị thần lớn của Đạo giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần.

Theo hầu Trấn Vũ là hai tướng quy, xà (tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh) và ngũ long thần tướng.

Tương truyền Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thiên thần trấn Bắc môn thiên phủ vào thời nhà Tùy (năm 589-600), giáng sinh đầu thai làm con vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc). Lớn lên, Huyền Thiên bỏ ngôi hoàng tử vào tu ở núi Vũ Dương. Sau 42 năm tu luyện, Huyền Thiên đắc đạo, du ngoạn sang nước ta, đến làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) bên sông Tô Lịch, Huyền Thiên vào tu đạo tại một ngôi đền cạnh Hồ Tây, dùng đạo pháp khử trừ các loại yêu quái để cứu dân rồi hóa thần. Nhớ ơn, người dân đã lập đền thờ tại phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương gọi là Huyền Thiên Quan (54 phố Hàng Khoai hiện nay).

Cũng có sách cho rằng, vào đời nhà Đường, mở đầu triều đại đã tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế là thủy tổ của mình. Giới nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng Huyền Nguyên và Huyền Thiên là một. Huyền Thiên Trấn Vũ của Thăng Long cũng chính là Lão Tử, là tên xưng khi nhà Đường tôn lập vị tổ sư này của Đạo giáo.

Truyền thuyết về Huyền Thiên tại làng Ngọc Trì huyện Gia Lâm kể rằng: “Ngài giáng sinh vào vương quốc Tĩnh Lạc, Hoàng hậu đặt tên là Huyền Nguyên, năm 14 tuổi vào núi Vũ Dương tu hành, tới năm 42 tuổi thì đắc đạo”. Như vậy, truyền thuyết này cũng có nét tương đồng với câu chuyện về Huyền Vũ ở Trung Hoa.

Còn theo truyền thuyết Việt Nam, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối khi xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh chín đuôi lẩn quất ở núi đá cạnh hồ.

Chú thích ảnh
Đền Quán Thánh xưa. Ảnh tư liệu

Truyền thuyết cũng kể, đời Hùng Vương thứ XIV, Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái, trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông...

Theo tài liệu của Ban Quản lý đền, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Vào đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh chín đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, sau khi xây thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía Tây Bắc thành để trấn yêu quái.

2. Đền Trấn Vũ trải qua nhiều lần tu sửa và có hai lần trùng tu lớn. Đời vua Lê Hy Tông (1677), xây dựng quán Trấn Vũ với quy mô lớn. Chúa Trịnh Tạc cho đúc tượng đồng thay tượng gỗ đã cũ. Tượng cao gần 4 mét không đội mũ, tóc xõa đằng sau, mặc áo đạo sĩ, đi chân đất, tay trái giơ lên bắt quyết trừ tà, tay phải chống kiếm lên lưng một con rùa, lưỡi kiếm có rắn leo xung quanh. Người thợ đúc tượng Trấn Vũ cũng có tượng thờ ở bên trái đền.

Có một truyền thuyết kể rằng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn được thần báo mộng rồi chỉ đường vào Lam Sơn theo Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh cũng từ đây mà ra. Năm 1768, chúa Trịnh Sâm cho sửa đền và ghi thêm vào tấm bia do Đặng Công Chất soạn. Khi vua Minh Mạng ra Bắc năm 1824 có đến thăm đền và đã sai đục hết những dấu vết của họ Trịnh trên bia.

Chiến tranh cuối thế kỷ 18 đã làm hỏng nát nhiều chỗ nên năm 1856, tri huyện Thọ Xương là Phan Huy Kiên đứng ra quyên tiền tu sửa đền. Cho làm rộng thêm, xây nội điện và tiền đường, lò thiêu hương, tam quan gác chuông, hành lang tả hữu vu, tô thêm tượng đặt ở hậu đường là tượng Lã Tổ, Văn Xương, Quan Đế.

Chú thích ảnh
Đền Quán Thánh ngày nay. Ảnh: Internet

Trước đó, năm 1842 vua Thiệu Trị ra Bắc đến thăm đền có cúng một biển đồng thếp vàng. Nhà vua và những người đi theo mỗi người cúng một đồng tiền vàng để đúc thành một chiếc vòng đeo vào tay tượng.

Có một thời gian, Pháp cho bọn thổ phỉ cờ vàng của Jean Dupuis đóng quân ở Trấn Vũ và khu vực xung quanh, không biết bọn thổ phỉ này có lấy đồ quý trong đền không?

Năm 1893 kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải cho sửa sang đền như ngày nay. Ngoài cổng xây thêm bốn cột trụ. Tượng thần được nâng lên trên bệ đá cao 1,2 mét. Hôm khánh thành, Hoàng Cao Khải tổ chức linh đình mời quan Tây, quan ta. Báo Tương lai Bắc Kỳ năm 1893 viết “họ uống rượu sâm panh và nhảy đầm”. Nhân sự kiện này Hoàng Cao Khải tổ chức cuộc thi thơ để lôi kéo sĩ phu Bắc Hà. Cuốn Bóng nước hồ Gươm của Chu Thiên kể chi tiết chuyện này. Có một bài thơ không thi mà dán ở cổng đền trong đó có câu:

Truyền kỳ Trấn Vũ truyền lâu nay

Muốn đến trước thần hỏi câu này

Trừ hại cứu dân được mấy việc?

Sói lang chẳng giết, giết cáo cầy...

3. Trong quán Trấn Vũ còn có một quả chuông cao 1,5 mét đúc cùng năm với pho tượng treo ở gác tam quan. Tiếng chuông vang khắp thành Thăng Long vì thế mới có câu ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương

Có một chuyện vui quanh câu ca dao này. Một người ở tỉnh xa về Hà Nội chơi, sau khi được bạn dẫn thăm thú các địa danh nổi tiếng, người này rất vui song vẫn còn chút băn khoăn: “Mình rất hài lòng những nơi bạn đưa mình đến, đã được nghe tiếng chuông ở đền Trấn Vũ nổi tiếng nhưng nếu bạn đưa mình đi ăn món “canh gà Thọ Xương” thì chuyến đi trọn vẹn hơn”.

Nghe xong anh bạn không dám cười, nhẹ nhàng giải thích: “Thọ Xương là tên một huyện của Hà Nội xưa còn canh gà là tiếng gà gáy báo canh, không phải là món canh gà”. Nghe xong anh này cười hì hì chữa ngượng.

Đền cũng có một chiếc khánh đồng lớn khắc bài minh cổ. Đôi voi chầu trong sân do một người giàu có ở Hà Nội cung tiến năm 1941.

Một truyền thuyết liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ

Tương truyền khi An Dương Vương xây thành cứ ngày đắp, đêm lại bị đổ vì yêu ma Bạch Kê tinh phá hoại. Ban ngày, Bạch Kê tinh ẩn ở núi Thất Diệu, đêm lại xuất hiện. Vua không có cách nào trừ được bèn lập đàn cầu khẩn, được Huyền Thiên Trấn Vũ sai thần Kim Quy hiện ra mách bảo kế giết Bạch Kê tinh nên thành ốc mới xây xong. Tưởng nhớ công đức của Huyền Thiên, vua đã cho xây đền trên đỉnh núi Thất Diệu để thờ. Đây cũng là nơi Huyền Thiên đã tu luyện và cũng được gọi là Vũ Dương sơn.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm