Xét tuyển đại học bằng học bạ, có đảm bảo chất lượng?

Xu hướng xét tuyển sinh viên chỉ căn cứ trên điểm học tập THPT của các trường ĐH, CĐ năm nay phần nào giảm sức ép thi cử cho thí sinh, nhưng cũng đặt ra vấn đề là chất lượng đầu vào liệu có bảo đảm?

Giảm sức ép thi cử

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trên cả nước hiện có khoảng 150 trường ĐH tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ. Đây là phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, mà chỉ sử dụng kết quả học tập của thí sinh ở cấp THPT. Trong đó, các trường xét tuyển bằng học bạ với nhiều hình thức khác nhau, có trường xét điểm của năm học lớp 12, có trường xét điểm của 2 năm học và cũng có trường xét điểm của cả 3 năm học THPT hoặc xét học bạ để sơ tuyển, kèm kiểm tra thêm một số kiến thức, kỹ năng đặc thù. Cũng có những trường chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để thay cho thi môn Ngoại ngữ.

Chú thích ảnh
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: TTXVN

Số lượng tuyển sinh vào trường cũng do các trường tự quyết định: Có trường tuyển toàn bộ sinh viên bằng hình thức xét học bạ, có trường chỉ một nửa hoặc 1/3.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT: Việc các trường xét tuyển bằng học bạ được quy định trong Luật Giáo dục đại học. Cụ thể, quy định cơ sở giáo dục đại học được quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Phương thức tuyển sinh gồm có: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Năm 2019, cả nước có gần 490.000 chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, thì có 70% số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển căn cứ theo kết quả thi THPT quốc gia, 30% còn lại (tương ứng với gần 148.000 chỉ tiêu) dành cho các phương thức khác, trong đó có phương thức xét tuyển học bạ.

Phương thức xét tuyển học bạ được nhiều phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục đánh giá là tiến bộ, tiếp cận với phương pháp tuyển sinh của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, giảm bớt áp lực thi cử, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người.

“Đây là một phương thức tốt. Tôi và nhiều phụ huynh có con học THPT đã động viên con chủ động dành thời gian học để lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhằm giảm bớt số môn phải thi trong kỳ thi THPT cuối cấp, hoặc sử dụng để tham gia xét tuyển ĐH vào một số trường sau này”, anh Nguyễn Việt (Gia Lâm, Hà Nội) khẳng định.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, ngay sau khi nắm được chủ trương có thể xét học bạ để tuyển sinh ĐH, CĐ, một số trường ĐH không chỉ công bố sẽ thực hiện hình thức tuyển sinh này, mà còn thông báo luôn kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp THPT (tức là trước khi có điểm thi THPT).

“Điều này không đúng với quy định và Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải báo cáo, giải trình”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng nói.

Việc xét hồ sơ để tuyển sinh cũng manh nha xuất hiện những “nút thắt” nhỏ. Ví dụ như đối với khối ngành đào tạo sức khoẻ, hiện nay có những trường đa ngành cũng đào tạo và có xét tuyển dựa vào học bạ.

PGS TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết: ĐH Y Hà Nội có mức điểm chênh lệch đầu vào giữa các ngành lên tới 10 điểm hoặc có khi hơn 10 điểm. Khi vào trường, năng lực học tập giữa những sinh viên này cũng rất khác nhau.

“Việc có các trường thực hiện tuyển sinh bằng việc xét tuyển học bạ, sẽ có khả năng tuyển cả sinh viên có sức học trung bình ở cấp phổ thông. Như vậy là không nên bởi ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đào tạo trong trường”, PGS TS Nguyễn Hữu Tú cảnh báo.

Chị Nguyễn Thị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội), là phụ huynh một thí sinh vừa thi THPT cho biết: Trước kia từng có giai đoạn Bộ GD&ĐT cho tuyển thẳng vào ĐH đối với các học sinh đỗ tốt nghiệp loại giỏi. Vậy là thời điểm đó, tại rất nhiều trường phổ thông, nhất là ở các tỉnh lẻ, số học sinh tốt nghiệp giỏi tăng vọt. Bộ GD&ĐT đã phải dừng chủ trương này.

“Khi đó chưa có công nghệ để “chấm lại” như năm vừa rồi, nên không biết có phải là có các tiêu cực thi cử để lấy điểm tốt nghiệp giỏi hay không. Nhưng chắc chắn rằng học sinh ở những địa phương “làm nghiêm” công tác coi thi, thì thí sinh đã thiệt thòi so với những nơi “nới tay” như vậy”, chị Nguyễn Thị Phương bình luận.

Một số cán bộ ngành giáo dục cũng bày tỏ sự lo ngại: Thực tế khi quản lý hồ sơ học sinh trên toàn quốc chưa được “số hóa”, thì khó lòng đảm bảo loại trừ được khả năng “chạy” điểm trong cả quá trình đào tạo phổ thông để có học bạ đẹp, xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Coi trọng “đầu ra”

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, những trường chỉ tuyển bằng học bạ đều có rất ít nguyện vọng đăng ký, nếu có trúng tuyển thì cũng ít thí sinh nhập học. Tuy nhiên, trong danh sách các trường xét hồ sơ để tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, đã xuất hiện những trường ĐH thuộc hàng “top trên”, ví dụ ĐH Ngoại thương Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và khá nhiều ĐH vùng có uy tín. ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (có thêm phần thi năng khiếu) cũng là những trường xét học bạ để tuyển sinh. Như vậy, xu hướng xét tuyển học bạ đang ngày càng có khả năng mở rộng, đồng nghĩa với đòi hỏi về sự bảo đảm minh bạch, công bằng trong tuyển sinh.

PGS TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất: Việc xét tuyển vào đại học bằng học bạ chỉ nên là một phương án để xem xét của các trường.

Còn GS Nguyễn Hữu Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm về việc dễ dàng đỗ đại học, thậm chí chỉ xét tuyển bằng học bạ: Các trường nên hoàn toàn căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển. Hiện nay, phổ điểm THPT quốc gia đã rất rộng để các trường tuyển sinh. Cần có tư duy theo hướng là chỉ cần đỗ tốt nghiệp là các em có thể học đại học.

“Đối với những ngành đào tạo đặc thù như sư phạm, khối ngành sức khỏe thì Bộ GD&ĐT đã ban hành đề án cắt giảm các trường kém chất lượng, chất lượng đào tạo kém. Tôi hy vọng trong thời gian tới, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào sẽ được thực hiện sát sao hơn”, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.

Về lâu dài, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, đi cùng với xét học bạ để tuyển sinh phải là khâu kiểm định chất lượng đào tạo. Hiện nay, Bộ GD&ĐT hướng tới việc đào tạo chất lượng, đánh giá chuẩn đầu ra của các trường. Đây sẽ là “cánh cửa” chặt chẽ, nhằm bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Lê Vân/Báo Tin tức
Nhiều trường Đại học công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển
Nhiều trường Đại học công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước 22/7/2019, các trường Đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN