Zuckerberg: Chính phủ Mỹ không nên "giáng búa tạ" vào Facebook

CEO Facebook nói rằng việc phá vỡ hãng truyền thông xã hội này "sẽ không giải quyết được các vấn đề" - bao gồm can thiệp bầu cử, vấn đề riêng tư hoặc thông tin sai lệch.
Zuckerberg: Chính phủ Mỹ không nên "giáng búa tạ" vào Facebook ảnh 1Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. (Nguồn: Getty Images)

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đang nỗ lực đẩy lùi các lời kêu gọi chia tách công ty này.

Trong cuộc trò chuyện với giáo sư Cass Sunstein của Trường Luật Harvard (Mỹ) hôm thứ Tư 17/7 vừa qua, CEO Facebook nói rằng việc phá vỡ hãng truyền thông xã hội này "sẽ không giải quyết được các vấn đề" - bao gồm can thiệp bầu cử, vấn đề riêng tư hoặc thông tin sai lệch.

Ông Zuckerberg cho rằng việc giữ cho Facebook nguyên vẹn sẽ thực sự cho phép họ đối phó tốt hơn với các thách thức. Hơn nữa, ông nói, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã thực sự thúc đẩy sự đổi mới công nghệ bằng cách tìm kiếm và mua lại các công ty như Instagram và WhatsApp.

[Facebook gặp khó trong nhiệm vụ giải quyết "cuộc nội chiến lợi ích"]

"Tôi có thể hiểu tại sao, nói một cách chính trị rằng bạn muốn chia tách các công ty sẽ tốt hơn, đúng vậy. Nó giống như, 'Được rồi, có vấn đề. Hãy dùng một cái búa tạ và làm điều đó.' Nhưng tôi chỉ nghĩ rằng thực tế là chúng tôi muốn đảm bảo rằng những điều chúng tôi làm sẽ thực sự giải quyết được các vấn đề," ông Zuckerberg nói.

Facebook đã phải chịu sự kiểm tra, giám sát ngày càng nhiều về các chủ đề từ can thiệp bầu cử, chiến dịch thông tin sai lệch và quyền riêng tư dữ liệu kể từ khi nổ ra vụ bê bối công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica sử dụng dữ liệu người dùng Facebook để hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2016 mà không có sự đồng ý của người dùng.

Vụ bê bối Cambridge Analytica - kết hợp một số rủi ro riêng tư khác - đã thúc đẩy các lời kêu gọi kiểm soát và chia tách Facebook.

Ông Zuckerberg lập luận rằng các lời kêu gọi chia tách Facebook sẽ không giải quyết được các vấn đề cốt lõi về quyền riêng tư, can thiệp bầu cử và thông tin sai lệch.

"Hãy nhìn vào Twitter, nhìn vào Reddit, tất cả các dịch vụ khác nhau này - Youtube không quá nhỏ hơn chúng tôi, nhưng bạn biết Twitter và Reddit. Họ có hàng trăm triệu người thay vì hàng tỷ, nhưng họ có phải đối mặt với các vấn đề khác nhau hay cùng một câu hỏi thông tin sai lệch hoặc can thiệp bầu cử? Họ cũng không phải chịu đựng điều đó sao? Họ hoàn toàn là như vậy," ông Zuckerberg nói.

Thay vào đó, ông Zuckerberg cho rằng các chính phủ nên ban hành các quy định để duy trì tính toàn vẹn bầu cử trên Internet. Ông cũng tin rằng Quốc hội Mỹ nên ban hành các quy tắc để điều chỉnh các phát ngôn trên nền tảng xã hội, cũng như giải quyết các câu hỏi về quyền riêng tư và dữ liệu người dùng.

Ông Zuckerberg cũng đáp trả những chỉ trích rằng Facebook đã kìm hãm sự cạnh tranh trong không gian truyền thông xã hội bằng cách mua lại hoặc đè bẹp các đối thủ cạnh tranh. CEO Facebook đã nói chi tiết lý do tại sao ông tin rằng Instagram và WhatsApp tốt hơn khi mạng xã hội này mua chúng.

Ông Zuckerberg giải thích rằng khi Facebook mua lại Instagram lần đầu tiên, dịch vụ chia sẻ ảnh vẫn chưa tung ra một ứng dụng Android, có vấn đề về thư rác và chỉ tuyển dụng được 13 người. Song kể từ khi được Facebook mua lại, ứng dụng chia sẻ ảnh này đã trở thành một trong những mạng xã hội quan trọng nhất trên thế giới và tạo ra những "người có ảnh hưởng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục