Thay đổi nhận thức dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông

70% số bài thi lịch sử của kỳ thi THPT quốc gia 2019 có điểm dưới 5, và là môn có điểm thấp “đội sổ” trong các môn thi của kỳ thi này. Đây cũng là tình trạng chung về môn lịch sử trong những năm gần đây.

Học lịch sử với tâm lý “tránh điểm liệt”

Theo kết quả thống kê điểm thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT, điểm trung bình các môn kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đều cao hơn năm 2018. Riêng môn lịch sử, đa số thí sinh đạt điểm dưới trung bình với thống kê lên đến trên 70% thí sinh đạt điểm dưới 5. Môn lịch sử có điểm trung bình là 4,3. 70% số bài thi có điểm dưới 5. Có 80 bài thi đạt điểm 10.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe những góp ý của giáo viên, chuyên gia về lịch sử với mong muốn đổi mới cách dạy và học trong trường phổ thông với môn này. Ảnh: MT

Đánh giá về thực tế này, nhiều chuyên gia cho biết, phổ điểm môn sử năm nay phản ánh chính xác tính chất của đề thi và tâm lý ôn thi, quan điểm của thí sinh về môn sử học sinh học và đi thi với một mong ước đơn giản là tránh bị điểm liệt.

Là nhà nghiên cứu lịch sử , GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn lịch sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài chúng ta cứ lúng túng tìm cách tiếp cận nội dung.

“Chúng ta dạy lịch sử theo lối không đối xử cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động”, GS TS Vũ Minh Giang nhìn nhận.

Theo GS Vũ Minh Giang, cách học và cách thi môn lịch sử hiện nay có độ chênh. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Cần phải có lộ trình từng bước một.

Tạo vị thế của môn học

Cho rằng, đổi mới là cần thiết nhưng GS TS Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn lịch sử. Chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành lịch sử”, chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích lịch sử.

Để nâng cao vị trí của môn lịch sử, GS TS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.

GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn lịch sử. Khi lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.

Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, giảng viên khoa lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn lịch sử được không?

Có nhiều năm phụ trách bộ môn lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học phổ thông, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần có một cuộc “cách mạng” trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Theo cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nội dung chương trình chỉ là một phần, quan trọng là giáo viên biết lựa chọn kiến thức nào để truyền tải đến học sinh, cách truyền tải, cái hồn của thầy cô giáo được gửi gắm trong bài giảng. Mong mỏi lớn nhất của cô Huyền cũng như nhiều giáo viên dạy môn lịch sử hiện nay là được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để giáo viên lịch sử có động lực giảng dạy.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc. Những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn lịch sử.

“Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế “độ trễ, độ vênh” giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

“Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm uốn nắn tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.

Lê Vân/Báo Tin tức
Ước mơ trở thành phóng viên của nữ sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử
Ước mơ trở thành phóng viên của nữ sinh đạt điểm tuyệt đối môn Lịch sử

Với tinh thần vượt khó, không ngừng vươn lên trong học tập, em Nguyễn Thị Kim Hồng (học sinh Trường Trung học Phổ thông Cư M’gar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã đạt được thành tích cao trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 với tổng số điểm 26,5, đặc biệt môn Lịch sử đạt điểm 10 tuyệt đối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN