Séc mong muốn tăng hợp tác thương mại toàn diện với Việt Nam

Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Vladimir Dlouhy khẳng định sẽ ủng hộ việc Nghị viện Cộng hòa Séc cũng như Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Đoàn làm việc của Phòng Thương mại Séc và Đại sứ quán Việt Nam. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)
Đoàn làm việc của Phòng Thương mại Séc và Đại sứ quán Việt Nam. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)

Trong buổi làm việc ngày 17/7, tại trụ sở Phòng Thương mại Séc ở thủ đô Praha, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn và Chủ tịch Phòng Thương mại Séc Vladimir Dlouhy đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được ký ngày 30/6 vừa qua.

Về vấn đề này, Đại sứ Hồ Minh Tuấn cho rằng EVFTA vừa được ký kết tại Hà Nội sẽ là điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).

Với Cộng hòa Séc, do vị trí ở trung tâm châu Âu, có quan hệ truyền thống tốt đẹp và cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế Việt Nam, nên sẽ nhiều cơ hội để nâng kim ngạch thương mại hơn nữa.

Đây cũng là cơ hội để Cộng hòa Séc tăng cường xuất khẩu các nhóm mặt hàng thế mạnh sang Việt Nam nhằm cải thiện cán cân thương mại song phương hiện đang nghiêng về phía Việt Nam.

Đại sứ Hồ Minh Tuấn mong rằng, ông Vladimir Dlouhy với vai trò là Chủ tịch Phòng Thương mại Séc, có tiếng nói đại diện cho số đông doanh nghiệp của Cộng hòa Séc, sẽ tích cực vận động các thành viên và đề nghị Nghị viện Cộng hòa Séc, đặc biệt là các nghị sỹ của Cộng hòa Séc tại Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn và đưa hiệp định thành hiện thực.

Về phía Phòng Thương mại Séc, Chủ tịch Vladimir Dlouhy nhất trí với những đánh giá và đề xuất của Đại sứ Hồ Minh Tuấn. Ông Valdimir Dlouhy khẳng định sẽ ủng hộ việc Nghị viện Cộng hòa Séc cũng như Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

[Séc: EVFTA có vai trò lớn trong thúc đẩy hợp tác kinh tế với Việt Nam]

Với mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Việt Nam, ông Vladimir Dlouhy cho rằng, khi hai hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội để thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, dần dần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước. Các lĩnh vực Cộng hòa Séc muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam là sản xuất ôtô, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, hóa chất, thiết bị điện tử, du lịch…

Phòng Thương mại Séc cũng sẵn sàng hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức các hội thảo và diễn đàn thương mại đầu tư để giúp các doanh nghiệp Séc tìm hiểu thông tin về thị trường, chính sách và cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc gồm thiết bị điện tử nghe nhìn, giày dép và sản phẩm từ da, cao su, thủy sản, nông sản thực phẩm, chè, càphê, thủ công mỹ nghệ, kim khí, nhựa và các sản phẩm từ nhựa…

Việt Nam nhập từ Cộng hòa Séc các sản phẩm thiết bị năng lượng, nồi hơi, dụng cụ cơ khí, thiết bị ghi âm, ghi hình, âm thanh, màn hình TV, thiết bị quang ảnh, điện ảnh, dụng cụ phẫu thuật, sản phẩm thủy tinh và phalê, các sản phẩm nhựa, thiết bị quân sự, hạt giống, dược phẩm, giống cây công nghiệp…

Năm 2020, Việt Nam và Cộng hòa Séc sẽ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp hai nước sẽ bắt đầu được hưởng lợi ích từ việc cắt giảm, xóa bỏ các rào cản trong thương mại giữa hai bên.

Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp Séc biết và tận dụng các lợi thế của Hiệp định EVFTA, Đại sứ quán Việt Nam sẽ phối hợp với Phòng Thương mại Séc tổ chức các hội thảo xúc tiến thương mại cũng như giới thiệu hệ thống tra cứu phụ lục thông tin để giúp doanh nghiệp nắm được thuận lợi trong lộ trình tự do hóa thương mại và đầu tư, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục