Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm khi chọn nhà thầu không đủ năng lực

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang khẳng định tỉnh kiên quyết xử lý các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết cũng như không có năng lực thực hiện dự án.
Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm khi chọn nhà thầu không đủ năng lực ảnh 1Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (trên địa bàn tỉnh Tiền Giang). (Nguồn: TTXVN phát)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, làm chậm tiến độ thi công công trình.

Ông Tuấn cũng cho biết để thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo nghị quyết đề ra, trong nửa cuối năm 2019, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt.

Tỉnh tăng cường lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm hợp đồng đã ký kết cũng như không có năng lực thực hiện dự án.

[Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tiếp nhận 12 dự án kém hiệu quả]

Từ nay đến cuối năm, tỉnh khẩn trương thi công các công trình trong kế hoạch, đặc biệt là các công trình khởi công mới; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm đền bù, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ các công trình và giải ngân tốt các nguồn vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công năm 2019.

Nhằm hỗ trợ cho việc lựa chọn các nhà thầu có năng lực, tỉnh sẽ tăng cường đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định và chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của dự án, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền thu hồi, điều chuyển chỉ tiêu kế hoạch vốn đối với các dự án đến nay chưa triển khai hoặc chưa giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 để chuyển sang cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tốt kế hoạch 2019.

Đặc biệt, đối với các công trình trường học phải bảo đảm hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trước năm học mới. Mặt khác, thực hiện ngay nghiệm thu, thanh toán vốn đối với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Đối với các công trình đã tạm ứng vốn phải hoàn ứng cho ngân sách nhà nước khi được bố trí vốn theo quy định. Các cơ quan chức năng hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thanh toán, thu hồi vốn ứng trước và xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi để thanh toán nhanh cho các dự án có đủ điều kiện giải ngân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết, theo kế hoạch, năm 2019, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước là 3.846,3 tỷ đồng; trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 2.660,3 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn Trung ương. Từ nguồn vốn trên, tỉnh triển khai thực hiện 462 công trình, dự án.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị khối lượng của tỉnh thực hiện ước trên 1.646 tỷ đồng, giá trị giải ngân ước đạt 1.568 tỷ đồng, tương đương 40,79% kế hoạch năm. Theo Phó Chủ tịch tỉnh Phạm Anh Tuấn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm 2019 chưa cao, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn...

Trước tình hình trên, Tiền Giang tích cực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đưa các công trình vào sử dụng kịp thời phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục