Bài 4: 'Ma trận' thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai?

Dù Kết luận Thanh tra thành phố đã chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan, nhưng khi làm việc với cơ quan chức năng, trách nhiệm lại được xem như “quả bóng” chuyền từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Bài 4: 'Ma trận' thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai? ảnh 1Rác thải bủa vây dọc đường Tân Triều mới, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Từ thực tế tình trạng rác thải của Hà Nội dẫn đến công tác “làm sạch thành phố” đang bị làm ngược chủ trương, nảy sinh nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến mỹ quan, môi sinh của người dân Thủ đô, mà đều được chỉ đến nguyên nhân là sự bất hợp lý của bài thầu thu gom, xử lý rác thải tập trung được triển khai từ năm 2017.

Câu hỏi đặt ra là, để xảy ra “lỗ hổng” trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải theo hình thức đấu thầu tập trung, nhất là bất cập từ việc kê khai, đăng ký khối lượng, chiều dài các tuyến đường ngõ xóm thấp hơn nhiều so với thực tế, trách nhiệm thuộc về ai? Tại sao bài thầu có nhiều “lỗi” đã được doanh nghiệp, địa phương và cả người dân đưa ra mà không được các cơ quan chức năng điều chỉnh, tháo gỡ?

Lỗi chồng lỗi

Theo Kết luận thanh tra công tác thu gom, vận chuyển rác thải và duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố của Thanh tra thành phố Hà Nội, công bố trong tháng 3/2019, việc đấu thầu dịch vụ vệ sinh môi trường là phương thức triển khai từ năm 2017.

Do đó, khi thực hiện đăng ký nhu cầu đấu thầu, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đã thu thập thông tin, tổng hợp đăng ký nhu cầu chưa sát thực tế, một số hạng mục thừa/thiếu, dẫn đến khi thực hiện phát sinh khối lượng.

Trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế, nghiệm thu khối lượng, một số đơn vị chưa sâu sát, chưa làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát các nhà thầu trong công tác nghiệm thu khối lượng, thực hiện phương án sản xuất, dẫn đến việc vệ sinh môi trường tại một số địa bàn chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là vào mùa mưa.

[Bài 3: Chủ trương "làm sạch thành phố" bên bờ... phá sản]

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa thực hiện tốt công tác thu giá dịch vụ, dẫn đến nguồn thu chưa được đảm bảo so với kế hoạch, ảnh hưởng đến cận đối nguồn kinh phí chi trả cho công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, nhất là các huyện Đan Phượng, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Hoài Đức. Thậm chí, có đơn vị chưa thu đúng, thu đủ giá dịch vụ vệ sinh môi trường.

Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Những tồn tại, hạn chế trên thuộc trách nhiệm của Giám đốc các Ban quản lý dự án các quận, huyện được thanh tra, là đơn vị tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân các quận, huyện quản lý công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn. Trong quá trình tổng hợp nhu cầu, lập hồ sơ mời thầu, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký nhu cầu không đúng thực tế thuộc về trách nhiệm của các sở, ngành liên quan.

Thất trách của Trung tâm mua sắm tài sản công (Sở Tài chính) là đã tổng hợp nguyên trạng nhu cầu, không thực hiện việc xác minh, kiểm tra dẫn đến không phát hiện ra những việc kê khai, đăng ký khối lượng không đúng thực tế của các đơn vị, lập báo cáo Sở Tài chính lập hồ sơ mời thầu theo đăng ký nhu cầu của các quận, huyện, thị xã, dẫn tới hồ sơ mời thầu không sát thực tế.

Tất cả những điều trên đã dẫn tới thực trạng lỗi chồng lỗi.

Bài 4: 'Ma trận' thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai? ảnh 2Một loạt xe đẩy thu gom rác trở thành "đống sắt vụn" sau khi Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh bàn giao lại cho Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương. (Ảnh" P.V/Vietnam+)

Trong việc xây dựng, ký thỏa thuận khung, các chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện gói thầu dịch vụ vệ sinh môi trường theo hình thức “Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.” Theo đó, đối với những khối lượng công việc trong bảng giá hợp đồng mà thực tế chênh lệch quá 20% khối lượng quy định ban đầu thì hai bên thỏa thuận theo nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp lý, phù hợp với điều kiện thay đổi khối lượng khi thanh toán cho phần khối lượng thực hiện chênh lệch quá 20% này.

Tuy nhiên, khi Trung tâm mua sắm tài sản công ký Thỏa thuận khung với các nhà thầu và các chủ đầu tư ký với các nhà thầu đã không quy định trong các văn bản. Đến khi triển khai, thực tế đã phát sinh khối lượng bổ sung, mặc dù Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có văn bản số 5746/UBND-KT ngày 13/11/2017, yêu cầu Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã “thương thảo” với nhà thầu thống nhất về khối lượng và giá trị thực tế phát sinh…Theo đó, văn bản  5746/UBND-KT này phải được quy định trong Thỏa thuận khung, trong hợp đồng kinh tế để làm căn cứ pháp lý.

Nhưng trên thực tế, văn bản 5746/UBND-KT lại chưa được Trung tâm mua sắm tài sản công điều chỉnh, bổ sung kịp thời, dẫn đến chưa có căn cứ pháp lý để các chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện quyết toán đối với các khối lượng phát sinh vượt giá trị gói thầu, vượt 20% khối lượng hợp đồng.

“Trách nhiệm này thuộc Giám đốc Trung tâm mua sắm tài sản công,” Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội nêu rõ.

Đối với Sở Xây dựng, Kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ ra việc cơ quan này đã chậm tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành đơn giá vệ sinh môi trường mới theo quy định; chậm hoàn thiện đề án giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải trình Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định…

Mặt khác, Sở Xây dựng cũng chậm hướng dẫn các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung nội dung điều khoản hợp đồng kinh tế để kiểm soát trách nhiệm của nhà thầu, đảm bảo đúng quy định. Theo Thanh tra thành phố, việc này cũng có một phần nguyên nhân do các quận, huyện, thị xã chậm gửi báo cáo cho Sở Xây dựng…

Ngoài ra, báo cáo của liên Sở Xây dựng-Tài chính, rà soát khối lượng bổ sung các gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 tại thành phố, cũng cho thấy: Qua tổng hợp giá trị bổ sung kinh phí duy trì vệ sinh môi trường của 22/26 đơn vị, số kinh phí chênh lệch phải bổ sung lên tới 591 tỷ đồng.

Dù liên sở đã báo cáo, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện các gói thầu, nhưng đến tháng 4/2019, vẫn chưa được giải quyết.

Bài 4: 'Ma trận' thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai? ảnh 3Rác thải tràn lan hai bên đường ngày càng phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

“Đá bóng” trách nhiệm

Mặc dù trong bản Kết luận của Thanh tra thành phố đã gọi đích danh và chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan gồm: các quận huyện (trong hạng mục đăng ký lập báo cáo về số lượng); Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Trung tâm mua sắm tài sản công thuộc Sở Tài chính, cũng như cả trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia thầu… Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan chức năng, trách nhiệm lại được xem như “quả bóng” chuyền từ đơn vị này sang đơn vị khác.

Đơn cử như ở huyện Thanh Oai. Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, sáng 9/7, ông Nguyễn Trọng Khiển-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện thừa nhận công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên địa bàn hiện đang rất khó khăn, do địa bàn ngõ xóm rộng, trong khi tiền giá dịch vụ thấp.

Tuy nhiên, khi đề cập tới trách nhiệm của huyện trong việc kê khai, đăng ký khối lượng, chiều dài ngõ xóm trong bài thầu thấp hơn nhiều so với thực tế, ông Khiển cho rằng vấn đề này Ủy ban Nhân dân huyện đã giao Ban Quản lý Dự án huyện Thanh Oai quản lý. Vì thế, thông tin cụ thể, đơn vị này mới nắm được.

Theo chỉ dẫn của địa phương, phóng viên tiếp tục làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án huyện Thanh Oai, nhưng đến lượt đơn vị này  đá “quả bóng trách nhiệm” sang Phòng Quản lý Đô thị.

['Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội]

Ông Nguyễn Đăng Toàn Thắng-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giải thích rằng, Ban ông mới tiếp nhận công việc từ năm 2018, trước đó việc kê khai, đăng ký khối lượng, chiều dài các tuyến đường ngõ xóm là do Phòng quản lý Đô thị huyện triển khai từ năm 2016 và vị trưởng phòng, người được cho là trực tiếp xử lý thì đã nghỉ hưu. Với cách giải thích này, thì việc kê khai, đăng ký bài thầu sai thực tế là “câu chuyện của quá khứ,” chẳng liên quan gì đến những người đương chức!

Quay trở lại câu chuyện với Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai, ông Khiển lúc đầu lập luận rằng, việc nhà thầu đã nhận thầu, mà không kiểm tra đối chiếu thì là lỗi của doanh nghiệp! Nhưng sau khi được cung cấp tài liệu rằng, doanh nghiệp đã kiểm tra, thống kê lại, nhưng phần khối lượng bổ sung không được chấp thuận do chủ đầu tư đưa ra bài thầu quá gấp gáp thì Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai lại xuê xoa: “Lỗi do huyện cũng được, chả sao. Miễn thành phố điều chỉnh bài thầu, điều chỉnh giá dịch vụ là được!”

Sau một hồi ban chuyền lòng vòng ở các Ban cấp huyện, “quả bóng trách nhiệm” được Thanh Oai đá lên lên thành phố: Lỗi của thành phố là chậm điều chỉnh đơn giá dịch vụ,” Phó Chủ tịch huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển nói chắc như đinh đóng cột...

Bài 4: 'Ma trận' thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai? ảnh 4Nguy cơ “Thủ đô ngập rác” như doanh nghiệp cảnh báo, nhất là trong bối cảnh mỗi khi bãi rác Nam Sơn “hắt xì,” cả Hà Nội lại “sổ mũi,” là thực tế nhãn tiền. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Ông Nguyễn Đăng Toàn Thắng-Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Thanh Oai cũng nội dung này tỏ ra khéo léo hơn: “Phía địa phương chúng tôi đã có đề xuất, kiến nghị lên các sở và thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Lý do có thể là do thành phố gặp khó về nguồn vốn…”

Riêng về việc kê khai, đăng ký khối lượng, chiều dài các tuyến đường ngõ xóm đưa ra trong bài thầu thấp hơn nhiều so với thực tế doanh nghiệp phải làm, theo ông Thắng lỗi không hẳn do địa phương, mà có thể là do cách tính của thành phố, cụ thể là Trung tâm mua sắm tài sản công của Sở Tài chính để tự cân đối!

[Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương]

Nhìn nhận từ góc độ chính quyền cấp cơ sở, ông Hoàng Xuân Hùng-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cũng cho rằng đây là trách nhiệm chung, nhưng lỗi và trách nhiệm lớn nhất ở đây là việc “áp” bài thầu với khối lượng, chiều dài các tuyến đường ngõ xóm thấp hơn nhiều so với thực tế.

Như lời ông Hùng phân tích, thì lỗi là do bài thầu “có vấn đề,” mà bài thầu lại do chủ đầu tư là Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã kê khai, đăng ký. Như vậy, trách nhiệm chính là do chủ đầu tư. Thực tế này cũng đã được Thanh tra thành phố Hà Nội kết luận: “Khi thực hiện đăng ký nhu cầu đấu thầu, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đã thu thập thông tin, tổng hợp đăng ký nhu cầu chưa sát thực tế, một số hạng mục thừa/thiếu, nên khi thực hiện phát sinh khối lượng.”

Để rõ hơn về vấn đề trên, ngày 25/6, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã gửi thông tin liên hệ, đề nghị được trao đổi cụ thể với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh, nhằm làm rõ hơn về những vấn đề còn đang bất cập, cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư, qua đó kiến nghị điều chỉnh. Vậy nhưng, sau hơn 3 tuần gửi thông tin, nhiều lần liên hệ trực tiếp và thông qua Văn phòng của Ủy ban Nhân dân huyện, nhưng đến nay, Báo Điện tử VietnamPlus vẫn không có được cuộc tiếp xúc nào để đem câu trả lời đến cho công luận...

Quýt, bưởi, bòng, lê, táo sai, cam chịu!

Trong khi các sở, ban, ngành, đặc biệt là chủ đầu tư các quận, huyện, thị xã đang chối bỏ trách nhiệm của mình và đổ lỗi cho nhau, thì các doanh nghiệp môi trường  vẫn ngày này qua ngày khác bỏ tiền túi để “làm sạch thành phố.” Bởi, nếu họ dừng lại không làm thì không chỉ vùng ven đô ngập rác, mà rác cũng sẽ tràn vào nội đô và chẳng mấy chốc cả Hà Nội- Thủ đô ngàn năm văn hiến sẽ ngập rác?!

Bài 4: 'Ma trận' thầu xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai? ảnh 5Lượng rác thải quá nhiều, bốc mùi hôi thối, không được thu gom kịp thời, người dân đã đốt để giảm tải. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Bài 5: Lối nào cho Hà Nội thoát khỏi "ma trận" thầu xử lý rác thải tập trung?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục