Phát triển mạng 5G tại Việt Nam, cơ hội phát triển công nghiệp viễn thông

Mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, mà còn là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp thông tin (ICT). Với nhu cầu lớn về thiết bị mạng lưới và đặc biệt là thiết bị đầu cuối, 5G sẽ tạo ra thị trường lớn cho các công ty công nghệ Việt Nam.

Thử nghiệm gắn với khả năng sản xuất thiết bị

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT và MobiFone). Đầu tháng 5/2019, Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam. Việc thử nghiệm kỹ thuật này, nhằm đánh giá về khả năng ứng dụng công nghệ 5G trong thực tiễn tại Việt Nam. Ghi nhận tốc độ kết nối mạng 5G với thiết bị đầu cuối đã đạt từ 1,5 – 1,7Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại. Sau thử nghiệm, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Lắp đặt trạm phát BTS. Ảnh: TL.

Trong khi đó, VNPT đang đang khẩn trương thiết lập mạng 5G thử nghiệm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Mobifone dự kiến tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

Đại diện VNPT cho biết, để thử nghiệm hệ thống mạng 5G, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển với Tập đoàn Nokia để cùng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G, nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G. Nokia sẽ hiện đại hóa mạng lưới VNPT theo định hướng 5G và Cloud. Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất về công nghệ, sản phẩm mới trên mạng 5G. Dự án này sẽ được thực hiện trong 3 năm, với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD.

VNPT cũng tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng nguồn nhân lực, nhằm làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, an toàn). Đây là các dự án đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa toàn bộ hạ tầng mạng lõi của VNPT để có thể vận hành và khai thác trên nền tảng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây (cloud).

Không chỉ tập trung đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng mạng lưới, VNPT còn chủ động sản xuất thiết bị với mục tiêu nội địa hóa các sản phẩm viễn thông, để giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo an ninh thông tin.

Cơ hội phát triển công nghiệp viễn thông

Theo kế hoạch, các nhà mạng thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là định hướng phát triển của nền công nghiệp thông tin (ICT) Việt Nam. Việc thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, về khả năng phủ sóng trong thành phố, đánh giá về can nhiễu vệ tinh, thử nghiệm tốc độ cao, dung lượng lớn để đánh giá độ suy hao, thử nghiệm các ứng dụng của 5G, trong đó có các ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, IoT, hệ sinh thái 5G...

“Từ khết quả thử nghiệm, Bộ TT&TT sẽ công bố quy hoạch tần số cho 5G để sớm làm thủ tục cấp phép dịch vụ 5G. Với sự kết hợp 4G và 5G, các nhà mạng phải nâng cao chất lượng băng rộng di động để Việt Nam lọt vào top từ 30 - 50 trên thế giới. Hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin (CNTT) sẽ là hạ tầng của kinh tế số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Theo Bộ TT&TT, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 134,5 triệu thuê bao di động, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G, 4G là 128,6 triệu. Đây sẽ là thị trường tiềm năng cho thiết bị 5G.

Để đón đầu công nghệ 5G, một số công ty công nghệ nước ngoài đang hướng vào thị trường thiết bị đầu cuối (smart phone). Đơn cử như Huawei sẽ ra mắt điện thoại di động thông minh 5G có trang bị chip 5G và đưa vào sử dụng trên quy mô lớn trong nửa cuối năm 2019.

Với Qualcomm, hãng này vừa công bố con chip Snapdragon 855 mới nhất hỗ trợ 5G, kèm theo công nghệ kết nối 5G X50 của Qualcomm. Nhà cung cấp đã làm việc với rất nhiều nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để chuẩn bị triển khai 5G trên thế giới.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, mạng 5G có tác động lớn tới mọi lĩnh vực của đời sống và giúp tạo ra nền kinh tế số, mở rộng môi trường hoạt động của các ngành công nghiệp dựa trên hạ tầng mạng băng rộng. Về mặt thị trường, mạng 5G sẽ kích hoạt sự tăng trưởng trong việc bán thiết bị và dịch vụ di động vốn đang bão hòa. Trên thực tế, do chưa có tiêu chuẩn chung, nên những điện thoại thông minh tương thích với 5G vẫn chưa có mặt trên thị trường.

Đại diện MobiFone cho biết, quá trình thử nghiệm 5G sẽ cung cấp dịch vụ miễn phí cho khách hàng các ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao eMBB, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí như nghe nhạc trực tuyến, video trực tuyến (HD, UHD 4K), trò chơi trực tuyến thời gian thực (AR, VR)… Đây cũng chính là tiện ích mà nhiều khách hàng mong chờ.

XM/Báo Tin tức
MediaTek tung chip 5G mới cạnh tranh với Qualcomm
MediaTek tung chip 5G mới cạnh tranh với Qualcomm

Nhà cung cấp chip MediaTek Inc, có trụ sở tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), ngày 29/5 đã giới thiệu loại chip mới sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 (5G) là 5G SoC dành cho các loại điện thoại thông minh cao cấp, hiệu năng cao nhằm cạnh tranh với đối thủ “sừng sỏ” Qualcomm Inc (Mỹ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN