Vì sao Grab báo giá cước khác nhau khi đặt xe cùng quãng đường?

Grab bị người tiêu dùng phản ánh tăng giá rất cao, thậm chí đến 3-4 lần, vào giờ cao điểm hoặc thời tiết bất lợi (mưa, nắng) so với giá cước bình thường.
Vì sao Grab báo giá cước khác nhau khi đặt xe cùng quãng đường? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Liên quan đến phản ánh của khách hàng về việc Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab khai thác thông tin dữ liệu người dùng để đưa ra giá cước khác nhau cho cùng một hành trình và cùng một thời điểm, chiều 16/7, bà Nguyễn Thu An, đại diện truyền thông Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab cho hay Grab luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về thu thập, xử lý và sử dụng thông tin khách hàng trên môi trường mạng.

"Cụ thể, Grab thực hiện việc công khai với người dùng về việc cần thiết phải thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để thực hiện việc cung cấp và kết nối dịch vụ. Cách thức thu thập, phạm vi và mục đích sử dụng khi thu thập thông tin trên ứng dụng được Grab công bố công khai trong điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật thông tin của công ty. Ngoài ra, điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật thông tin của Grab đã được báo cáo Bộ Công Thương cùng với đề án cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của công ty trong quá trình đăng ký dịch vụ thương mại điện tử cho ứng dụng di động Grab," bà Nguyễn Thu An cho hay.

Cũng theo đại diện truyền thông Grab, thông tin cá nhân của khách hàng được thu thập chỉ sử dụng duy nhất cho mục đích cung cấp, duy trì, cải thiện sản phẩm và dịch vụ của Grab.

Thông tin của tài xế (đối tác của Grab) cũng được thu thập cho mục đích giúp Grab có cơ sở lựa chọn, sàng lọc những đối tác đáp ứng đủ yêu cầu của công việc và quy định an toàn trong quá trình Grab cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu đại diện Grab trả lời nội dung liên quan đến phản ánh của khách hàng về Grab khai thác thông tin dữ liệu người dùng để đưa ra giá cước khác nhau cho cùng một hành trình, cùng một thời điểm thì đại diện Grab từ chối trả lời.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho biết theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/1/2016 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24), Grab đăng ký hoạt động vận tải theo hình thức kinh doanh hợp đồng, do đó giá cước do Grab quyết định.

Mặt khác, hiện tại quy định của pháp luật chưa yêu cầu các đơn vị vận tải đăng ký hoạt động theo hình thức hợp đồng phải báo cáo giá cước cho cơ quan chức năng.

Như vậy, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng nếu Grab có thu thập thông tin khách hàng để phân loại khách hàng, từ đó đưa ra các giá khác nhau thì cũng chưa vi phạm pháp luật vì bản thân Grab đã đưa ra giá cước trước khi người tiêu dùng sử dụng dịch vụ. Nếu người tiêu dùng cảm thấy giá cước không hợp lý thì hoàn toàn có thể từ chối.

[Cục Cạnh tranh khiếu nại quyết định xử lý vụ việc Grab mua lại Uber]

Về ý kiến cho rằng Grab đang có hành vi độc quyền về giá cước, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ ban hành, đã có quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe Grab, Vato, Be…) được lựa chọn 2 hình thức hoạt động là xe kinh doanh vận tải taxi và xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng.

Tuy nhiên, dù chọn hình thức nào thì xe đều phải gắn hộp đèn (mào) “Xe hợp đồng” trên nóc, từ đó tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh, gây khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát, tổ chức giao thông đô thị và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Dưới góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng giá cước Grab đưa ra không phải lúc nào cũng theo hướng hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và đơn vị vận tải.

Vì vậy, hành khách trước khi chọn lộ trình và dịch vụ cho mình cần quan tâm đến các thông tin như độ dài quãng đường, mức giá để so sánh giữa các loại hình cùng kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, trên thị trường cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tương tự như Grab để hành khách có thể so sánh và lựa chọn dịch vụ, tránh tình trạng phải trả phí cao.

Grab bị người tiêu dùng phản ánh tăng giá rất cao, thậm chí đến 3-4 lần, vào giờ cao điểm hoặc thời tiết bất lợi (mưa, nắng) so với giá cước bình thường.

Về vấn đề này, nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có ý kiến. Do đó, cần quy định các đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng phải đưa ra một khung giá trần (giá tối đa), tránh tình trạng các đơn vị vận tải lợi dụng việc tự thỏa thuận để đưa ra giá cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Vì sao Grab báo giá cước khác nhau khi đặt xe cùng quãng đường? ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Theo phản ánh của khách hàng Nguyễn Thị Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều lần chị cùng các bạn đặt xe Grab đi cùng một quãng đường và cùng thời điểm nhưng giá cước hiển thị trên điện thoại của bạn chị và chị lại khác nhau. Đặc biệt, hiện tượng này hay xảy ra vào giờ cao điểm.

Còn theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Tuyến (quận Thanh Xuân, Hà Nội), ngày 15/7, bà có đặt xe Grab từ đường Nguyễn Thị Định về đường Tố Hữu. Vì trời mưa nên giá cước lên tới 150.000 đồng, tăng 4 lần so với ngày bình thường cùng thời điểm.

Về hiện tượng dùng các máy điện thoại dòng khác nhau (iPhone X, hoặc điện thoại chạy hệ điều hành Android) để đặt xe Grab, bà Nguyễn Thị Tuyến cho hay khi thì bà dùng điện thoại của mình, khi thì bà mượn điện thoại của con gái đặt xe, và mức giá có khác nhau mặc dù vào cùng một khung giờ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, một lái xe Grab lâu năm, cho hay hiện tượng dùng điện thoại khác nhau để đặt Grab trong cùng một thời điểm cho giá cước khác nhau là có thể xảy ra. Vì trên thực tế, khách hàng chỉ đặt lệnh chênh vài giây là đã cho kết quả giá cước khác nhau. Điều này phụ thuộc vào thời điểm đó có đông khách đặt lệnh hay không.

Liên quan đến việc Grab không công bố quãng đường đi khi khách hàng đặt xe, Luật sư Vũ Sông Hồng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng thông tin quãng đường đi dài bao nhiêu km không phải là điều kiện bắt buộc vì khi hành khách đặt xe, có nhiều đường đi khác nhau, không thể có thông tin chính xác quãng đường đi dài bao nhiêu. Hơn nữa, Grab không hoạt động theo loại hình taxi truyền thống là tính cước trên số km thực tế đi.

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải như Grab đưa ra thông tin càng nhiều càng tốt để người tiêu dùng tin tưởng sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục