Cựu giám đốc NSA: Chiến lược 5 điểm cho công nghệ hậu 5G

Cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nói khi ông rời nhiệm sở năm 2018, một trong những quan ngại lớn của ông là phương Tây không am hiểu đầy đủ về các ứng dụng công nghệ cho an ninh quốc gia.
Cựu giám đốc NSA: Chiến lược 5 điểm cho công nghệ hậu 5G ảnh 1Lễ khai trương mạng viễn thông 5G ở Monaco ngày 9/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Michael S. Rogers mới đây có bài viết nhận định rằng phương Tây cần một chiến lược công nghệ hậu thế hệ mạng di động thứ 5 (5G).

Những công nghệ 'làm thay đổi cuộc chơi'

Nội dung bài viết dẫn lời ông Rogers nói rằng khi ông rời nhiệm sở năm 2018 về những nhìn nhận của ông về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cho an ninh quốc gia.

Theo ông Rogers, một trong những quan ngại lớn hiện nay là phương Tây không am hiểu đầy đủ về các ứng dụng công nghệ cho an ninh quốc gia. "Công nghệ sẽ là một lĩnh vực then chốt trong tương lai. Ở đây không chỉ đề cập đến công nghệ mạng mà là toàn bộ lĩnh vực công nghệ hữu hình nói chung. Các lĩnh vực công nghệ bứt phá với các ứng dụng xã hội đã trở thành một phần trong lịch sử nhân loại..."cựu giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nhận định.

Ông Rogers thừa nhận rằng lâu nay vẫn tồn tại những loại công nghệ “làm thay đổi cuộc chơi,” song không tránh khỏi những tác động tiêu cực ở cấp độ 2 và 3 cho loài người.

Nước Mỹ từng đối phó với tình huống này trước kia và ông Rogers tin rằng Mỹ vẫn có khả năng đối phó với tình huống tương tự ở thời điểm hiện đại.

Trọng tâm của 5G không phải là dịch vụ di động hoàn hảo

Tuy nhiên, điều cần làm trước hết là tìm ra một giải pháp thoát khỏi tình huống này. Đâu là đáp án đúng cho việc ứng dụng một loại hình công nghệ vốn sẽ trở thành nền tảng cơ bản cho khả năng cạnh tranh kinh tế của một quốc gia trong kỷ nguyên kỹ thuật số mà chúng ta đang sinh sống? 5G là biểu hiện rõ nét nhất cho điều này bởi lẽ 5G không chỉ đơn thuần là việc “tôi sẽ có dịch vụ mạng di động tốt hơn.”

Đó không phải là trọng tâm của công nghệ này. Hơn thế, 5G sẽ giúp chúng ta giải quyết triệt để những vấn đề tiềm tàng, Rogers nói. 

Chúng ta sẽ có thể chuyển một lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ ổn định và nhanh lạ thường giúp các thiết bị kỹ thuật số cầm tay của chúng ta có được tính năng và mà chúng ta thường nghiễm nhiên coi chỉ có ở máy tính xách tay hay máy tính trung ương.

Mạng 5G sẽ làm nổi trội tất cả những tính năng đó, và đó mới chỉ là một trong nhiều công nghệ nền tảng đang được phát triển hiện nay. Ông Rogers từng nhận định về mạng 5G khi còn tại nhiệm rằng đây mới chỉ là một vấn đề công nghệ trước mắt.

[Monaco là quốc gia châu Âu đầu tiên triển khai mạng 5G Huawei]

Công nghệ 5G là hiện hữu của hàng loạt những thách thức rộng lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt sau này. Tình hình phát triển mạng 5G hiện nay khiến chúng ta không khỏi đặt câu hỏi rằng chiến lược công nghệ hậu 5G sẽ hoạt động như thế nào khi cuộc cạnh tranh không đơn thuần là sự tham gia của một doanh nghiệp nước ngoài đơn lẻ.

Cuộc cạnh tranh hiện là một chiến lược quốc gia được tích hợp trong đó doanh nghiệp nước ngoài này chỉ là một hợp phần. Làm thế nào để một doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh được với những nỗ lực và nguồn tài nguyên được tích hợp của cả một quốc gia?

Một loạt thay đổi về công nghệ sắp diễn ra. Những thay đổi này sẽ đóng vai trò nền tảng đến mức mà nếu như chúng ta không thay đổi thế đối đầu thì chúng ta sẽ mãi không tìm được giải pháp. Đó không chỉ là việc ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào hay cạnh tranh với một công ty nào mà là việc bảo đảm được khả năng cạnh tranh của chính nước Mỹ cũng như của các đối tác trong thời đại công nghệ số thế kỷ 21.

Và một lý do nữa là chúng ta sẽ phải đối phó với khả năng cạnh tranh với các nước khác và các công ty khác. Hiện là cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Huawei và 5G nhưng sẽ là một cuộc cạnh tranh khác trong tương lai. Ông Rogers cho rằng mục tiêu chính là đảm bảo một sân chơi bình đẳng.

Một khi chúng ta có được một sân chơi công bằng thì khi đó cạnh tranh như thế nào lại phụ thuộc vào lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, thách thức hiện tại là sân chơi hiện nay không được bình đẳng và các công ty công nghệ của phương Tây khó mà cạnh tranh được.

Ông cũng cho rằng việc bắt các công ty này tự lực cánh sinh là không thực tế. Việc tạo nên một sân chơi bình đẳng sẽ giúp giải quyết vấn đề này. Cũng cần đảm bảo rằng mọi thỏa thuận được tuân thủ và rằng sẽ có hậu quả thích đáng cho những hành vi vi phạm thỏa thuận.

Chiến lược 5 điểm cho hậu 5G

Trong báo cáo của ông Rogers cho Trung tâm Chính sách mạng Quốc tế thuộc Viện Chính sách chiến lược Australi (ASPI), ông đã đưa ra một chiến lược gồm 5 điểm để các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẵn sàng đối phó với làn sóng công nghệ tiếp sau 5G.

Thứ nhất là coi công nghệ như một năng lực chứ không phải một sản phẩm; thứ hai, đánh giá lại cuộc cạnh tranh công nghệ; thứ ba là phát triển một chiến lược; thứ tư là củng cố quan hệ đồng minh; thứ năm là truyền thông về chiến lược mạng cho đối tượng công chúng rộng lớn hơn.

Theo ông Rogers, phương Tây cần phải tự đặt câu hỏi về cách thức thay đổi mô hình (phát triển công nghệ).

Vì nếu chúng ta cho rằng mô hình hiện tại với công nghệ 5G thật tồi tệ thì có thể nói rằng mô hình này sẽ tồi tệ hơn nữa khi thế hệ mạng 6G sẽ xuất hiện trong khoảng 3 năm nữa.

Và mô hình này sẽ vẫn tồi tệ hơn với loại hình công nghệ khác như trí tuệ nhân tạo, tin học lượng tử và các loại hình công nghệ mới khác đang và sẽ trở thành nổi trội hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục