Chủ tịch Công đoàn của những bản thỏa ước lao động tập thể

Với sáng kiến lập Công đoàn từ người lao động, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng là 1 trong 10 cá nhân được tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chủ tịch Công đoàn của những bản thỏa ước lao động tập thể ảnh 1Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng trong lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng là đơn vị đầu tiên của cả nước kết hợp với doanh nghiệp xây dựng được thỏa ước lao động tập thể tại 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng từ Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, sáng kiến thành lập Công đoàn từ người lao động, không phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp ra đời.

Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng - một trong mười cá nhân sẽ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ I, năm 2019 đã làm nên kỳ tích đó.

Xây dựng Công đoàn từ dưới lên

Tại các doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn phải gánh cả hai vai, vừa là người làm việc cho doanh nghiệp, nhận lương và giữ vị trí việc làm theo quyết định doanh nghiệp, vừa thay mặt công nhân lao động bảo vệ quyền lợi cho họ mà toàn chuyện liên quan đến cơm áo gạo tiền, tác động trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp.

Trong khi đó, phần lớn lãnh đạo công ty cho rằng, những hoạt động của tổ chức Công đoàn không chỉ làm cho công ty mất thêm thời gian, chi phí mà còn tác động đến tư tưởng của người lao động.

Về phía công nhân, họ không thật hiểu, tổ chức Công đoàn là gì, giúp ích cho họ thế nào? Một số trường hợp muốn thành lập tổ chức Công đoàn nhưng lãnh đạo công ty không đồng ý.

Để gỡ nút thắt này, chị Phạm Thị Hằng đã có sáng kiến thành lập Công đoàn từ người lao động, không phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp và áp dụng tại hệ thống Công đoàn trực thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng.

Theo đó, cán bộ Công đoàn Khu Kinh tế sẽ tiếp cận người lao động tại doanh nghiệp để tuyên truyền, lấy ý kiến, kiến nghị của người lao động về chế độ chính sách; hướng dẫn người lao động làm đơn xin gia nhập tổ chức công đoàn, giới thiệu nhân sự bầu vào Ban Chấp hành Công đoàn và tiến hành đại hội.

Đến thời điểm này, khoảng 250 doanh nghiệp đang nằm trong Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Hải Phòng, trong đó hoạt động Công đoàn của một số công ty trực thuộc công đoàn các ngành khác.

Trong số 220 công ty trực thuộc về tổ chức Công đoàn tại Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng, 188 công ty đã thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở với khoảng 100.000 đoàn viên trong tổng số 130.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Hải Phòng.

Những con số trên chính là kết quả của những ngày chị Phạm Thị Hằng và cán bộ Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng làm việc không mệt mỏi.

[Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong quan hệ lao động]

Các công ty thuộc các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp Hải Phòng chủ yếu là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có những tập đoàn hàng đầu thế giới với hàng trăm nghìn lao động.

Trong khi đó, cán bộ Công đoàn khu chỉ có từ 4 đến 6 người, lương, phụ cấp của tất cả đều thấp, giờ công nhân nghỉ, cán bộ Công đoàn đi vận động...

Đến những bản thỏa ước lao động tập thể

Chủ tịch Công đoàn của những bản thỏa ước lao động tập thể ảnh 2Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng nói chuyện với người lao động về vai trò của tổ chức công đoàn và lợi ích khi người lao động tham gia tổ chức này. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Bên cạnh thành công của việc thành lập tổ chức Công đoàn từ dưới lên, chị Phạm Thị Hằng còn là người tiên phong trong triển khai xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc.

Năm 2016, chị là người trực tiếp thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc với 5 doanh nghiệp tham gia.

Sau 3 năm, tháng 6 năm 2019, tổng số có 19 doanh nghiệp tham gia ký thỏa ước lao động tập thể.

Thỏa ước được ký kết gồm 10 chương, 24 điều, với những điều khoản có lợi hơn với người lao động như tiền ăn ca ít nhất 21.000 đồng/người/ngày; thưởng Tết thấp nhất 1 tháng lương; phụ cấp xăng xe 400.000 đồng/người/tháng; lao động nữ làm việc trong thời gian kinh nguyệt được tính tiền lương làm thêm giờ theo quy định Luật Lao động; một tháng có ít nhất 1 tuần làm việc 40 giờ.

Để đi đến việc đàm phán và thống nhất chung của các doanh nghiệp Hàn Quốc, thủ lĩnh của Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng vừa phải mềm mỏng nhưng cũng phải cứng rắn đối với các doanh nghiệp.

Bởi trong quá trình triển khai, một số doanh nghiệp đã có ý định hùa nhau vào không ký kết. Họ vẫn cho rằng, việc ký thỏa ước lao động tập thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì toàn những điều khoản có lợi cho người lao động.

Bản thân chị Hằng cùng Chủ tịch Công đoàn cơ sở phải phân tích thiệt hơn của việc tăng tiền cho suất ăn, đảm bảo giờ lao động phù hợp cho người lao động...

Đến phút chót, một nhóm trong 19 doanh nghiệp mới đồng ý thỏa thuận ký kết vì họ hiểu những lợi ích của việc ký kết này.

Sau lễ ký thỏa ước lao động tập thể của 19 doanh nghiệp Hàn Quốc Khu Công nghiệp Tràng Duệ thành công dịp tháng 6/2019, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam Chang Hee Lee đánh giá cao cách làm sáng tạo, khác biệt của chị Phạm Thị Hằng và nhận định, đây là cột mốc mới trong phát triển mối quan hệ lao động giữa các doanh nghiệp.

Ông Chang Hee Lee cho rằng, bản thỏa ước lao động tập thể là kết quả của sự kiên nhẫn, chân thành giữa Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng với các doanh nghiệp.

Việc thỏa thuận này không hề dễ dàng và có khả năng không đạt kết quả cuối cùng nếu không có sự thống nhất nhất của cả hai bên.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Bluecom Vina Trần Văn Tú cho biết, để thành lập được tổ chức Công đoàn cơ sở và để nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc cùng tham gia ký kết thỏa ước lao động nhóm là sự nỗ lực bền bỉ, không mệt mỏi của chị Phạm Thị Hằng.

Sát thời gian ký kết, vẫn có doanh nghiệp thay đổi quyết định. Chị Hằng cùng kết hợp với Chủ tịch Công đoàn Cơ sở, gặp trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp để thống nhất và đi đến quyết định ký hay không ký.

Với thái độ kiên quyết của Chủ tịch công đoàn Phạm Thị Hằng, với sự hậu thuẫn từ phía những Chủ tịch Công đoàn cơ sở, lễ ký kết đã thành công, đem đến lợi ích cao nhất cho người lao động song cũng đồng thời đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chủ tịch Công đoàn của những bản thỏa ước lao động tập thể ảnh 3Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng tặng quà cho gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Trong suốt quá trình công tác, được làm việc cùng chị Phạm Thị Hằng, chúng tôi đều nhận thấy, thành công của chị chính là có kiến thức pháp luật vững vàng, tâm huyết, nhiệt tình, hy sinh lợi ích cá nhân.

Chị cũng đã xây dựng được đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở vững vàng về kiến thức, có kỹ năng trong thương lượng với chủ doanh nghiệp, là cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, đồng thời hoạt bát, nhiệt tình để tổ chức thành công các phong trào vì người lao động.

Đó chính là cơ sở để xây dựng tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp vững mạnh và là yếu tố căn bản để đưa đến thành công của những bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết trong thời gian qua và nối dài trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục