Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản

Một trong những bất cập lớn nhất của bài thầu khiến phần lớn doanh nghiệp phải rơi vào cảnh “ôm nợ” là do bài thầu “áp” các tiêu chí không phù hợp với thực tế.
Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản ảnh 1Do bài thầu bất cập, một số doanh nghiệp đã trả lại địa bàn, việc thu gom rác cho địa phương tự xử lý. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Tình trạng các doanh nghiệp trả lại địa bàn vì “quá tải” hoặc giảm hạng mục do thua lỗ kéo dài khiến nợ chồng nợ, địa phương cũng không kham nổi do kinh phí có hạn, lượng người nhận làm ngày càng giảm trong khi lượng rác thải mỗi ngày là quá lớn đã khiến nguy cơ Hà Nội (đặc biệt là các địa bàn ven đô) ngập trong rác đang hiển hiện ngày một rõ nét.

Chủ trương “làm sạch thành phố” của Hà Nội đang đứng bên bở vực phá sản nếu không được sớm điều chỉnh và tháo gỡ.

Khốn khổ vì... bài thầu

Theo phản ánh của doanh nghiệp môi trường ở các huyện ngoại thành Hà Nội, một trong những bất cập lớn nhất của bài thầu khiến phần lớn doanh nghiệp phải rơi vào cảnh “ôm nợ” là do bài thầu “áp” các tiêu chí quá bất cập, kê khai khối lượng và chiều dài các tuyến đường thấp hơn nhiều so với thực tế, trong khi mức giá dịch vụ theo Nghị định 54 quá thấp, khiến nhà thầu thu không đủ chi.

“Bất cập này, khiến bất cứ doanh nghiệp nào khi triển khai cũng phải đau đầu, gặp khó khăn. Doanh nghiệp chúng tôi là 1 trong 5 nhà thầu mạnh nhất thành phố về năng lực tài chính và phương tiện, nhưng ngay từ đầu cũng không được tiếp cận gói thầu. Đến khi trúng thầu và triển khai thực hiện mới phát hiện ra các điểm bất cập song vẫn phải làm vì đã đầu tư lớn và chỉ có thể kiến nghị chứ không dám phản đối,” vị giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai phân tích.

['Ma trận đấu thầu tập trung': Nguy cơ 'thất thủ' vì rác thải ở Hà Nội]

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại Văn bản số 6113/UBND-KT ngày 31/11/2017: Các đơn vị nhập đủ 50% dự toán kinh phí duy trì vệ sinh môi trường ngay từ đầu năm; chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm và triển khai công tác thu giá để có nguồn hoàn trả ngân sách địa phương và thanh toán phần khối lượng duy trì ngõ xóm. Tuy nhiên, các đơn vị, đặc biệt là khối huyện, mặc dù đã tạm ứng 50% từ ngân sách để thanh toán khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm nhưng do nguồn giá dịch vụ thu không đủ chi nên không có nguồn thanh toán cho nhà thầu.

Theo các doanh nghiệp môi trường ở các địa bàn này, họ chưa được chủ đầu tư thanh toán, quyết toán các khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng trong hai năm 2017 và 2018.

Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản ảnh 2Việc thu gom rác tại các ngõ xóm dưới 2m tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Q.Sỹ/Vietnam+)

Đơn cử như huyện Đông Anh, năm 2018, chỉ tiêu thu giá dịch vụ vệ sinh được giao là hơn 14,3 tỷ đồng nhưng thực thế thu chỉ có hơn 11,8 tỷ đồng. Trong khi, giá trị thực tế phải thanh toán cho khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm là hơn 28 tỷ đồng (thiếu khoảng 17 tỷ đồng), những mãi vẫn chưa thanh toán cho nhà thầu.

Tình trạng này cũng đã và đang xảy ra ở nhiều đơn vị khác như các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ và Mê Linh…

Ngay ở nội đô, trên địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… tổng kinh phí các hạng mục phát sinh của 4 gói thầu mà doanh nghiệp chưa được các chủ đầu tư thanh toán là 60,189 tỷ đồng. Chi phí phát sinh của 7 gói thầu trên địa bàn các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ và các huyện Thanh Trì, Mê Linh, Mỹ Đức, Thạch Thất chưa được các chủ đầu tư thanh toán (đến thời điểm tháng 12/2018) là 41,6 tỷ đồng.

Tương tự, tổng kinh phí các hạng mục phát sinh của gói thầu trên địa bàn huyện Đông Anh chưa được thanh toán là 71,272 tỷ đồng; tổng kinh phí các hạng mục phát sinh của gói thầu tại quận Hoàng Mai chưa được thanh toán là 10,2 tỷ đồng…

Thực trạng này đã khiến doanh nghiệp phải “ôm” khoản nợ lớn, gặp khó khăn trong việc chi trả lương, chế độ cho người lao động và dẫn đến tình trạng phải trả lại địa bàn, để “tự giải thoát” mình.

Ngoài hai doanh nghiệp Nhà nước đã “bỏ rác chạy lấy thân,” một số doanh nghiệp tư nhân hiện cũng đã tuyên bố trả địa bàn, cắt giảm một số hạng mục không nêu rõ trong gói thầu, vì những khoản nợ ngân hàng lên tới hàng chục tỷ đồng thậm chí có doanh nghiệp số nợ lên tới hơn một trăm tỷ đồng.

Theo Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai (doanh nghiệp trúng thầu gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Chương Mỹ), sau 2 năm (2017-2018) thực hiện gói thầu, chủ đầu tư chậm thanh toán nguồn kinh phí lên tới gần 18 tỷ đồng. Thực tế này đã gây khó khăn cho nhà thầu trong việc duy trì các hoạt động sản xuất, thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, trong khi không thể chậm, nợ lương với người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội.

“Ngoài việc chủ đầu tư chậm thanh toán nguồn kinh phí, các biến động từ việc tăng giá nguyên nhiên liệu, thực tế, chúng tôi còn đang phải trả tiền lương cho người lao động trực tiếp cao hơn mức tiền lương trong đơn giá. Thực tế trên đã làm tăng chi phí sản xuất, thu không đủ bù chi, nên nhà thầu phải bỏ tiền túi để làm, dẫn tới nợ cả trăm tỷ đồng,” Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai nói.

Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản ảnh 3Do thu không đủ bù chi, Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai đang phải "ôm" nợ vì rác.(Ảnh: P.V/Vietnam+)

Cùng chung tình cảnh “ôm nợ” vì thu không đủ bù chi, Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long-Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long (thực hiện gói thầu ở 2 huyện Phú Xuyên và Thanh Oai) hiện cũng đang phải gồng mình bù lỗ, để chờ thành phố Hà Nội điều chỉnh đơn giá dịch vụ, cũng như điều chỉnh lại khối lượng, tiêu chí của bài thầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long-Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long cho biết: “Nguồn thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường năm 2019 được Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai giao theo văn bản là hơn 6,7 tỷ đồng, được sử dụng cân đối chi trả cho công tác vệ sinh ngõ xóm (thu gom rác) theo Quyết định số 54 tương ứng với mức thu 3.000 đồng/khẩu.

Tuy nhiên, kinh phí này chỉ đáp ứng được 23% khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm thực tế đang thực hiện, tương đương với 93/407km/ngày. Nếu so với khối lượng chủ đầu tư kê khai, đăng ký trong gói thầu cũng chỉ đáp ứng được 44%, tương đương 93km/210km/ngày.”

“Khối lượng bài thầu và thực tế triển khai chênh lệch quá lớn-khối lượng và chiều dài các tuyến đường ngõ xóm dưới 2m trên thực tế mà doanh nghiệp đang làm lớn hơn gần 200km so với bài thầu, trong khi đơn giá, mức thu giá dịch vụ chậm điều chỉnh đã khiến thời gian qua, mỗi năm doanh nghiệp đã lỗ hơn 5 tỷ đồng,” vị đại diện Liên danh chao chát trần tình.

Thực trạng này khiến nhà thầu không thể tiếp tục nếu không sớm có thay đổi mức phí, và quyết định kể từ tháng 7/2019, sẽ tạm dừng thực hiện khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm nếu không được Ban quản lý dự án ký hợp đồng.

Xã phường “oằn vai gánh rác”

Quay trở lại câu chuyện trả lại địa bàn những hạng mục không có trong gói thầu, ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh, cho biết, do không kham nổi nên từ ngày 8/3/2019 đến nay, doanh nghiệp ông chỉ làm theo nội dung bài thầu. Cụ thể, Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh chỉ thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác tại 4 xã và thị trấn, 19 xã còn lại đã bàn giao lại cho địa phương.

Ông Đông cũng thừa nhận khi bàn giao lại phương tiện thu gom rác cho địa phương, phần lớn số xe đẩy trước đây nhận của địa phương, nay đã bị hư hỏng hoàn toàn. “Đây toàn là xe rẻ tiền, dễ hư hỏng sau một thời gian ngắn sử dụng, nên khi bàn giao đã hỏng hết,” ông Đông nói thêm.

Trong khi doanh nghiệp kêu khó, trả lại việc vệ sinh môi trường, thu gom rác cho địa phương tự xử lý, cùng với “đống sắt vụn” xe đẩy thu gom rác được cho là “đồ rẻ tiền,” thì chính quyền các xã trên địa bàn huyện Đông Anh lại phải mang ngân sách đi mua phương tiện, cũng chính là những chiếc xe đẩy “rẻ tiền” để phục vụ thu gom rác.

Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản ảnh 4Công việc thu gom rác ngõ xóm tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.(Ảnh: P.V/Vietnam+)

Tại xã Tiên Dương, nơi Công ty cổ phần Môi trường Đô thi Đông Anh đang đặt trụ sở cùng phương tiện, đủ các loại xe, nhưng việc thu gom rác ngõ xóm lại chuyển hết cho địa phương xử lý. Từ khi nhận nhiệm vụ “dọn rác” cùng “đống sắt vụn” xe đẩy không thể sử dụng, Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương đã phải bỏ ra 100 triệu đồng để mua thêm 15 xe đẩy mới, phục vụ cho công tác thu gom rác.

Ngoài việc phải mang ngân sách đi đầu tư phương tiện thu gom rác, chính quyền xã Tiên Dương còn phải ứng tiền ngân sách để trả lương cho người thu gom rác, do từ cuối năm 2018 đến nay, chưa thu được tiền dịch vụ vệ sinh môi trường, thu gom rác từ các hộ dân. Lý do là người dân không hài lòng với quy định của bài thầu, khi những ngõ đường dưới 2m, bà con phải tự mang rác đến điểm tập kết.

Ông Trần Văn Sáng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương khẳng định, trước năm 2017, khi chưa có chủ trương đấu thầu thu gom rác tập trung, địa phương có thể thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường 4-5.000 đồng, thậm chí 7.000 đồng. Người dân rất hài lòng vì công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác hiệu quả. Thế nhưng, từ khi thực hiện theo Nghị định 54 (thu 3.000 đồng) thì thực tế rất bất cập.

[Bài 2: Nhận diện tiêu chí bài thầu ngược chủ trương]

Theo ông Sáng, bất cập lớn nhất của bài thầu là những tuyến đường ngõ xóm dưới 2m không phải vào thu gom. Nghĩa là nhà thầu chỉ làm 12%. Vậy 88% khối lượng công việc và rác thải ở các ngõ xóm dưới 2m đổ đi đâu? Đó là chưa kể, quy định của bài thầu mà huyện đưa ra chỉ thu gom 8 ngày/lần, trong khu thực tế phải thu gom 1 lần/ngày, mới đảm bảo thu gom hết rác và đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Người dân họ bỏ tiền nên họ có quyền đòi hỏi được phục vụ, nhưng doanh nghiệp, họ chỉ làm đúng yêu cầu, quy định trong bài thầu là 12%, số còn lại đẩy về cho địa phương tự xử lý, nên rất bất cập, không ổn chút nào. Thực tế, quá trình thực hiện, địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang phải ứng tiền ngân sách trả lương cho những người đi thu gom rác,” ông Sáng giãi bày.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương Hoàng Xuân Hùng thì cho biết từ lúc triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, mặc dù chính quyền xa đã đầu tư 15 xe đẩy, nhưng vì địa bàn rộng và lượng rác rất lớn, nên những người đi thu gom đã phải tự cơi nới phương tiện, mang thêm cả xe bò kéo... để đi thu gom rác.

“Từ khi Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh “đá” bài thầu lại cho địa phương tổ chức thực hiện, nhất là ấn định việc thu giá 3.000 đồng/người/tháng, đã khiến thực tế công tác thu gom rác thải rất nan giải. Hiện tại, chúng tôi đang phải ứng tiền ngân sách để đầu tư phương tiện và trả lương cho người thu gom,” ông Hùng lo lắng.

Là một trong những địa phương có lượng rác thu gom hàng tháng ít nhất thành phố, nhưng công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất cũng đang gặp không ít khó khăn, do vướng mắc bởi bài thầu. Vì thế, việc duy trì vệ sinh một số tuyến đường vẫn còn những hạn chế, chưa đảm bảo.

Ông Nguyễn Đình Nghi-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân xã Đồng Trúc cho biết, có hai vấn đề kiến nghị là, việc duy trì vệ sinh cần đảm bảo, và nhà thầu chưa đảm bảo chế độ chính sách về lương và bảo hiểm cho công nhân là người địa phương.

“Hiện tại, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm đối với người lao động vẫn tồn tại. Việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong việc thu gom rác của người lao động. Vì thế, chúng tôi kiến nghị bài thầu cần được điều chỉnh hợp lý để giải quyết vấn đề thu gom rác trên địa bàn,” ông Trúc nói.

Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản ảnh 5Việc doanh nghiệp trả lại địa bàn đã khiến nhiều địa phương phải đau đầu vì rác.(Ảnh: P.V/Vietnam+)

Nguy cơ “vỡ trận” rác thải

Chưa biết chủ đầu tư (các quận, huyện, thị xã) và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có điều chỉnh mức thu giá dịch vụ, và khối lượng, chiều dài các tuyến đường ngõ xóm dưới 2m đúng thực tế hay không, nhưng rõ ràng, việc doanh nghiệp trả địa bàn, cũng như cắt giảm các hạng mục vệ sinh môi trường ngõ xóm có thể sẽ khiến việc “làm sạch thành phố” gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến môi trường dân sinh.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân xã Đồng Trúc cho biết, với lượng rác bình quân của toàn xã 70 tấn/tháng (với 6,3km đường thu gom) thì hai bãi tập kết rác tạm thời của xã này cũng chỉ có thể cầm cự được trong vòng 1 tháng. Vì thế, nếu người dân Nam Sơn chặn bãi rác dài ngày, thì chắc chắn rác trên địa bàn cũng sẽ…quá tải.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Dương cũng bày tỏ sự lo ngại: “Một khi lượng rác bị tồn đọng ở địa phương lại càng lớn, thì chắc chắn trong tương lai gần, không chỉ xã chúng tôi, mà cả thành phố Hà Nội sẽ ngập trong rác thải.”

“Với tình trạng thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải đang gặp nhiều khó khăn, bất cập về khối lượng và mức giá chậm được điều chỉnh, nhất là trong bối cảnh bãi rác Nam Sơn liên tiếp bị chặn, lượng rác ngày càng lớn, thì nhà thầu cũng bó tay, bất lực...,” ông Nguyễn Tiến Đông-Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Đông Anh nhận định.

Còn theo Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai, nếu bây giờ nhà thầu không triển khai thu gom rác tại các tuyến đường ngõ xóm dưới 2m theo tiêu chí bài thầu, chắc chắn người dân sẽ biểu tình, vì họ vẫn đóng tiền dịch vụ như bao nơi khác. “Và như thế, rác thải sẽ vỡ trận. Chắc chắn vỡ trận,” vị Giám đốc khẳng định!./.

Bài 3: Chủ trương 'làm sạch thành phố' bên bờ... phá sản ảnh 6Chủ trương “làm sạch thành phố” đang bên bờ phá sản nếu không kịp thời điều chỉnh. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Bài 4: "Ma trận thầu" xử lý rác thải tập trung, trách nhiệm của ai?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục