"Thành phố Vì hòa bình" - nền tảng vững chắc cho phát triển, hội nhập

Danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình" là một vinh dự và cũng là một thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hòa bình trường tồn trên Trái đất và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ngày này cách đây 20 năm, ngày 16/7/1999, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình." 20 năm trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. Đó là một vinh dự và cũng là một thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hòa bình trường tồn trên Trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập.

Thành phố Vì hòa bình - dấu ấn 20 năm

Để được UNESCO chọn là 1 trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện duy nhất cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO - "Thành phố Vì hòa bình" năm 1999, Hà Nội đã đáp ứng hàng loạt tiêu chí đề ra như: Có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề về đô thị hóa, môi trường sinh thái… Đến nay Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được vinh danh là "Thành phố Vì hòa bình."

20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, xây dựng Hà Nội thành một thành phố hiện đại, đậm đà bản sắc, giữ vững danh hiệu cao quý được UNESCO trao tặng, phát huy vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

So với 20 năm trước, thành phố đã có diện tích rộng hơn, dân số đông hơn, đa dạng về sắc mầu văn hóa, nhưng vẫn luôn duy trì được vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 7,41%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 tăng gấp đôi so với năm 2008 (năm đầu tiên mở rộng địa giới hành chính); GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.080USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015; đóng góp trên 19% cho tổng thu ngân sách. Năm 2018, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đứng đầu cả nước, đạt hơn 6,5 tỷ USD. Công tác xây dựng nông thôn mới được thành phố đẩy mạnh. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới tính đến hết năm 2018 là 83,9%, về đích sớm 2 năm. 

Cùng với phát triển kinh tế, Thủ đô Hà Nội chú trọng công tác an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 1,19%, giảm 0,5% so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra và hoàn thành trước 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5% dân số, vượt 1,2% kế hoạch. Cùng với đó, các lĩnh vực văn hóa, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực được tổ chức thường xuyên tạo sức hút cho du lịch…

Công tác quản lý đô thị được các cấp chính quyền đẩy mạnh, quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.

Nổi bật nhất trong các tiêu chí “Thành phố vì hòa bình” được UNESCO ghi nhận là những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hà Nội được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao; học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế…

Với vị thế là “Thành phố vì hòa bình” Hà Nội đã thực sự thu hút hàng triệu du khách cả trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Một trong những điểm ấn tượng với du khách khi đến Hà Nội là điểm đến an toàn, thanh bình với bề dày văn hóa truyền thống và sự năng động của thành phố trẻ. Tính đến hết năm 2018, tổng số khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 26,04 triệu lượt (tăng 9,3% so với năm 2017), trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 5,74 triệu lượt (tăng 16%).

"Thành phố Vì hòa bình" - nền tảng vững chắc cho phát triển, hội nhập ảnh 1Sáng 8/5/2019, trong chuyến thăm chính Việt Nam, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và Phu quân đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Thủ đô. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hà Nội được bình chọn xếp thứ 12/25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018; là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt tốp "hot" nhất thế giới năm 2018 về lượng phòng du khách đặt trước và được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018.”

Là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội luôn chú trọng làm tốt công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các cơ quan và hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn; các hoạt động, chuyến thăm của các nguyên thủ các quốc gia.

Đáng chú ý, những năm gần đây, Thủ đô Hà Nội là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như Hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2018 (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132)... và gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai (tháng 2-2019).

Việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn không chỉ khẳng định Hà Nội-Việt Nam có thể đáp ứng đầy đủ điều kiện về vật chất và an ninh cho các sự kiện lớn; mà còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

[Mega Story] Hà Nội: Từ thành phố vì hòa bình đến đô thị sáng tạo

Trải qua 2 thập kỷ, Thủ đô Hà Nội không những phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, mà còn trở thành một trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu. Hiện Hà Nội có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô và thành phố trên thế giới, tham gia với trách nhiệm cao tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng, qua đó, không ngừng nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của thủ đô, đất nước trong cộng đồng quốc tế và bè bạn năm châu.

Hướng đến thành phố sáng tạo

Không chỉ sở hữu nhiều di sản văn hóa, Hà Nội còn là mảnh đất ươm mầm không gian sáng tạo, nuôi dưỡng những ước mơ khởi nghiệp và cũng là mở đường cho sự phát triển của kinh tế khởi nghiệp. Đây cũng là nền tảng để nâng đỡ, khai mở, làm giàu thêm các tài nguyên di sản vốn có, từng bước đưa Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo trong tương lai nếu được đầu tư, hỗ trợ tương xứng.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo do UNESCO công nhận, ra đời từ năm 2014, đến nay có sự tham gia của 180 thành phố đến từ 72 quốc gia. Ðặc điểm chung của những thành phố này là việc phát huy các yếu tố như: cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; sức hấp dẫn văn hóa (các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các sự kiện văn hóa); thói quen tiêu dùng văn hóa mới; cơ chế thúc đẩy sự phát triển của mọi tầng lớp lao động, tạo sự thăng hoa cho tầng lớp sáng tạo.

Theo các chuyên gia của UNESCO, cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội, tạo ra một hình ảnh nhận diện mới, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho Việt Nam. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một thành phố phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Hà Nội cũng là cái nôi sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ, cho thấy môi trường chính sách về tiềm lực nhân trí sĩ đều rất lớn.

Theo thống kê của Hội đồng Anh, hiện Hà Nội có 24 không gian sáng tạo, trong đó phần lớn là các không gian làm việc chung, không gian triển lãm, trò chuyện trao đổi, tổ chức sự kiện về nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc, điện ảnh, thư viện, cửa hàng thời trang... Đây chính là nơi truyền cảm hứng, năng lượng sáng tạo và kết nối mọi người; đồng thời là nền tảng nâng đỡ, khai mở thêm nhiều giá trị nguồn tài nguyên văn hóa sẵn có. Từ đó, công chúng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giúp cho việc phát triển con người tốt hơn, toàn diện hơn.

Từ gợi ý của UNESSCO, Hà Nội đã hoàn thành xây dựng hồ sơ “Hà Nội - thành phố sáng tạo”. Việc Hà Nội xây dựng hồ sơ ứng cử làm thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo phù hợp với Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.

Hiện hồ sơ “Hà Nội - thành phố sáng tạo” đã được UNESSCO công nhận là đủ điều kiện tham gia. Nếu được công nhận, Hà Nội không chỉ là Thủ đô nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình mà còn được vinh danh là Thành phố sáng tạo.

"Thành phố Vì hòa bình" - nền tảng vững chắc cho phát triển, hội nhập ảnh 2Công ty trách nhiệm hữu hạn INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, không gian sáng tạo được thành phố xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, là điều kiện tiên quyết để xác lập hình ảnh thành phố sáng tạo - mục tiêu mà Hà Nội đang vươn tới. Thủ đô sẽ tạo điều kiện hết mức có thể để các không gian này phát triển ở Hà Nội dưới nhiều mô hình sáng tạo khác nhau. Trước mắt, là việc xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thỏa đáng, tạo môi trường pháp lý thuận lợi…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ xứng đáng các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo phù hợp, nhằm đánh thức tiềm năng, gieo mầm khởi nghiệp và mở đường phát triển cho kinh tế khởi nghiệp./.

"Thành phố Vì hòa bình" - nền tảng vững chắc cho phát triển, hội nhập ảnh 3
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục