Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam, nhưng đây là sự thay đổi mang tính toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn ảnh 1Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Chuyển đổi số mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam, nhưng đây là sự thay đổi mang tính toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp. Hạt nhân của quá trình chuyển đổi số là doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp gỡ cộng đồng công nghệ thông tin-truyền thông phía Nam năm 2019 diễn ra chiều 15/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất bởi cái chính là sự thay đổi tư duy, doanh nghiệp công nghệ thông tin đóng vai trò rất quan trọng. Đó là các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn, có năng lực về tài chính, thị trường, quản trị chuyển sang làm công nghiệp công nghệ.

Các doanh nghiệp công nghệ đã thành danh, phần nhiều là từ gia công, lắp ráp, nay chuyển sang là làm sản phẩm “Made in Việt Nam;” các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ trọng ngành công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) dẫn đầu cả nước, nhưng đóng góp của doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, sản xuất mới chỉ chiếm khoảng 30% về doanh thu và 50% về số lượng doanh nghiệp, đóng góp còn lại là của khối buôn bán.

Hiện khối thị trường buôn bán đã dẫn bão hòa, cộng đồng ICT cần phát triển nhiều hơn trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, bởi đây là thị trường không giới hạn, là thị trường người Việt Nam đang thiếu nhiều sản phẩm.

Trao đổi tại buổi gặp gỡ, bà Đỗ Hồng Dinh (Công ty Intel Việt Nam) đặt vấn đề, Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm thương hiệu Việt. Thực tế hiện nay, doanh nghiệp Việt đã sản xuất ra máy tính thương hiệu Việt nhưng khó cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Liệu các doanh nghiệp, đơn vị có sẵn sàng sử dụng máy tính thương hiệu Việt hay không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, Nhà nước cũng có những hỗ trợ cho sản phẩm thương hiệu Việt của doanh nghiệp nhưng thành công không nhiều. Doanh nghiệp phải thật sự tạo ra sản phẩm khác biệt, riêng biệt so với các sản phẩm nước ngoài mới cạnh tranh được, bởi thị trường mới là yếu tố quyết định sự phát triển.

Đối với khó khăn như môi trường thử nghiệm sản phẩm mới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành các chương trình thử nghiệm, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển.

Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi cụ thể các vấn đề về quy định điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm công nghệ cũ (chưa có ở trong nước) phục vụ cho nghiên cứu phát triển; chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin; cung cấp bộ nội dung về các từ khóa trong kiểm soát mạng xã hội; kết nối doanh nghiệp và trường đại học để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục