Nhà văn Hoài Thanh: Biểu tượng phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX

Ở giai đoạn nào Hoài Thanh cũng có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn học của đất nước. Mỗi bài viết của ông đều ghi nhận tài năng phê bình kiệt xuất, tấm gương sống trung thực và lao động bền bỉ.
Nhà văn Hoài Thanh: Biểu tượng phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX ảnh 1Nhà văn Hoài Thanh và tác phẩm Thi nhân Việt Nam của ông. (Nguồn: Nhà xuất bản văn học)

Nhắc đến Hoài Thanh là nhắc đến một nhà văn hóa, nhà phê bình văn học Việt Nam lớn nhất, tài hoa nhất thế kỷ XX.

Ở giai đoạn nào ông cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn học của đất nước. Mỗi bài viết của ông đều ghi nhận tài năng phê bình kiệt xuất, tấm gương sống trung thực và lao động nghệ thuật bền bỉ.

Hoài Thanh tên thật là Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15/7/1909 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Hoài Thanh tham gia phong trào yêu nước từ rất sớm, ông từng 2 lần bị bắt giam, rồi bị đuổi học vì các hành vi chống đối chính quyền thực dân Pháp.

Đầu năm 1931, ông vào Huế làm công cho một nhà in, đi dạy học, rồi viết báo, viết văn.

Hoài Thanh khai sinh văn nghiệp của mình từ năm 1936 với hàng loạt các bài viết đăng trên các báo Phổ thông, Dân chúng, Gazettede Huế, Tràng An...

Sau đó bằng nhiều bài nghiên cứu, phê bình, tiểu luận có giá trị, ông đã trở thành một cây bút lý luận phê bình sắc sảo, có nhiều đóng góp cho hoạt động nghiên cứu văn học thời bấy giờ cùng những ảnh hưởng không nhỏ về sau này.

Nhà thơ trong phê bình thơ

"Thơ mới” (đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy ngày 29/12/1934) là bước khởi đầu cho sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh.

Ở bài viết đầu tay, Hoài Thanh đã nói đến những khởi động quan trọng rồi sẽ phát triển thành một phong trào thơ, một cuộc cách mạng trong thơ, một thời đại của thi ca.

Ông đã đứng trên lập trường ủng hộ nó, khẳng định nó và ca ngợi nó, dẫu Thơ mới lúc đó còn đang trên đường hình thành giữa một biển thơ cũ, số người phản đối nó vẫn đang còn là lực lượng áp đảo.

Trong buổi giao thời, giao tranh cũ mới, khi cái mới còn rất mong manh và lẻ loi, Hoài Thanh đã làm được việc tiên đoán đầy tài năng và dũng cảm.

Sau “Thơ mới” là bài “Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật; Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình” (đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy ngày 26/1/1935).

Đây là một tuyên ngôn không chỉ phù hợp với sự nghiệp viết của ông trước năm 1945 mà cũng có sức chi phối rất cơ bản sự nghiệp viết của ông sau đó.

Đó là, trong phê bình, gồm phê và bình, ông chỉ bình chứ không phê: “Bình thì còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?” Bình có nghĩa là khen. Và khen tức là sự đi tìm và xác định cái hay trong văn chương. Bởi nói như ông, với văn chương, để được gọi là văn chương, cái hay mới là cái đáng giá, còn cái dở, cái nhảm thì “không tiêu biểu gì hết.”

[Hoài Thanh - Nhà phê bình văn học tài hoa bậc nhất Việt Nam thế kỷ XX]

Ở bài tiểu luận có ý nghĩa tuyên ngôn này Hoài Thanh đã nói điều ông sẽ thực hiện và trung thành với nó trong suốt đời viết của mình.

Năm 1942, Hoài Thanh và Hoài Chân viết “Thi nhân Việt Nam” - tác phẩm bất hủ đã đưa tác giả lên vị trí cao, xứng tầm một nhà nghiên cứu và phê bình lớn của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Hoài Thanh được đánh giá là người đã trao chiếc áo hoàng bào trong lễ đăng quang của Thơ mới. Chính ông đã góp phần làm rõ diện mạo của “Một thời đại trong thi ca” mà sau này, những nhận xét của ông vẫn còn là mẫu mực của phê bình văn chương hiện đại.

“Thi nhân Việt Nam” được đánh giá là một thiên chính luận, một công trình tổng kết một cách sâu sắc, chuẩn mực về phong trào Thơ mới (1932-1945).

Trong hàng trăm nhà thơ, hàng vạn bài thơ, nhà phê bình đã chọn ra 46 nhà thơ, 169 bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ mới.

Trong đó Hoài Thanh đã vẽ nên chân dung thơ của các nhà thơ bằng một lối phê bình độc đáo. Ông ghi lại các ấn tượng, các cảm xúc, các hình sắc… mà thơ của từng nhà thơ đã hiện lên trong tâm hồn ông.

Sau tất cả các thi sỹ, ông cũng là một nhà thơ với tất cả các phẩm chất của thơ qua lời văn xuôi nghệ thuật quyến rũ, đưa người đọc vào một thế giới riêng do ông tạo ra.

Chưa bao giờ trong nền văn học Việt Nam có một cuộc hẹn hò kỳ diệu như vậy, giữa tâm hồn một người “bình thơ” và tâm hồn những “thi nhân,” “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”...

Tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hoài Thanh tích cực tham gia kháng chiến và nỗ lực trau dồi quan điểm văn nghệ cách mạng.

Ông như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, giúp sáng tạo thêm nhiều tác phẩm phê bình văn học - chủ yếu vẫn là những tác phẩm phê bình thơ, có giá trị tỏa sáng trong nền văn học cách mạng, kháng chiến và xây dựng xã hội mới.

“Có một nền văn hóa Việt Nam” viết năm 1946 là tác phẩm đầu tiên ông viết sau Cách mạng Tháng Tám.

Đây là tác phẩm giàu tính chiến đấu và có sức thuyết phục cao bởi lý lẽ sắc bén và tình cảm chân thành của tác giả đối với văn hóa dân tộc.

Tác phẩm tiếp theo “Nói chuyện thơ kháng chiến” (1951) tập hợp những bài nói chuyện về thơ của Hoài Thanh trước đông đảo công chúng trên những nẻo đường đầy gian lao mà anh dũng của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Với sự đồng cảm sâu xa, Hoài Thanh luôn khẳng định “nội dung của thơ ca kháng chiến là tình yêu nước, và không có gì ngoài tình yêu nước, không có gì ngoài những phương diện của tình yêu nước.”

Tiếp tục duy trì những thao tác đã dùng khi viết Một thời đại trong thi ca, nhà phê bình đã quan sát thơ kháng chiến từ nhiều bình diện: cơ sở xã hội, đội ngũ sáng tác, nội dung trữ tình, thể thơ...

Hoài Thanh đã phác họa chân dung những con người mới của một thời đại mới, nhân vật công nông binh, đồng thời chọn lọc và giới thiệu những bài thơ kháng chiến tiêu biểu như "Viếng bạn" (Hoàng Lộc), "Nhớ" (Hồng Nguyên), "Bài ca vỡ đất" (Hoàng Trung Thông), "Người dân quân xã" (Vĩnh Mai), "Lượm", "Lên Tây Bắc" (Tố Hữu)...

“Phê bình và tiểu luận” tập 1 (1960), tập 2 (1965), tập 3 (1971), là bộ sách tập hợp những bài nói, bài viết, bài giảng của ông về văn học nghệ thuật của ông từ sau cách mạng.

Trong đó đáng chú ý là những bài giảng của ông về văn học cổ điển Việt Nam, như "Hoa tiên," "Chinh phụ ngâm," "Truyện Kiều" đã đạt tới sự phân tích sâu sắc với những khám phá mới mẻ.

Những bài viết của ông về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Tố Hữu cũng được nhiều người chú ý.

Ông còn đi bình thơ, nói chuyện thơ tới hàng nghìn buổi từ miền cực Bắc của Tổ quốc đến tận mũi Cà Mau.

Theo sóng Đài tiếng nói Việt Nam, các câu chuyện thơ của ông đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước, góp phần truyền tải đến công chúng những giá trị cao đẹp của thơ ca dân tộc, thơ cách mạng và kháng chiến.

Ngày 14/3/1982, Hoài Thanh đã từ giã cõi đời, thọ 73 tuổi. Cuộc đời ông từ thuở thiếu thời cho đến lúc trái tim ngừng đập là một chuỗi dài những cuộc tìm kiếm đầy thích thú mê say cái hay và vẻ đẹp văn chương.

Như một nhà địa chất cần mẫn, yêu nghề, Hoài Thanh đã phát hiện được không ít vàng ngọc của thơ ẩn trong lớp bụi thời gian hoặc trong các mạch chìm nổi của cuộc đời.

Nghĩ về sự đóng góp của mình cho cuộc đời, Hoài Thanh từng nói: “Dẫu chưa đóng góp được gì nhiều thì cuộc đời mỗi chúng ta cũng là một giọt nước trong biển cả mênh mông và giọt nước không phải chỉ có chua với chát mà cũng có nhiều phần ngọt, phần trong. Và đến ngày nào đó chúng mình ra đi thì chúng mình cũng có thể nhẹ nhàng ra đi với ý nghĩa ấy…”

Đánh giá cao những đóng góp xuất sắc của ông cho sự nghiệp văn học nước nhà, năm 2000, Nhà nước đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

Còn thế hệ sau thì luôn nhớ tới ông như một biểu tượng phê bình văn học của văn đàn Việt Nam thế kỷ XX./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục