Bài 3: Để có đội ngũ tốt, giáo viên học cách tự ra đề thi

“Xây dựng đội ngũ thế nào? Xưa nay chúng ta cứ hô hào phải đi đào tạo này kia, nhưng cái thiết thực nhất là mỗi cán bộ giáo viên có ra được đề thi hay không," thầy Dỵ bật mí.
Bài 3: Để có đội ngũ tốt, giáo viên học cách tự ra đề thi ảnh 1Cán bộ giáo viên trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Tô Huy Rứa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

“Xây dựng đội ngũ thế nào? Xưa nay chúng ta cứ hô hào phải đi đào tạo này kia, nhưng cái thiết thực nhất là mỗi cán bộ giáo viên có ra được đề thi học sinh giỏi, đề thi trung học phổ thông quốc gia hay không? Ra được đề thì mới giải được đề, mới dạy học sinh làm được bài,” thầy Dỵ bật mí.

Rèn kỹ năng ra đề

Thầy Dỵ cho rằng ra đề thi là cách để giáo viên phải tự nỗ lực, không chỉ phải nắm vững chương trình mà còn phải trau dồi, học hỏi, mở rộng kiến thức.

Mỗi lần ra đề thì mỗi cán bộ giáo viên phải gồng mình lên, đọc rất nhiều tài liệu, trăn trở cả tháng trời mới ra được một đề, thậm chí là một đề chưa trọn vẹn. Trong mỗi tổ bộ môn của trường sẽ thành lập một ban ra đề. Sau khi một giáo viên ra đề thì ban này sẽ thẩm định lại đề với ba tiêu chí: Thời gian có đủ làm bài không? Kiến thức bao hàm được chương trình cơ bản chưa? Tính phân loại trong đề thi như thế nào?

Mỗi môn có một giáo viên phụ trách chính, các giáo viên có thể phối hợp ra đề cùng nhau theo từng phần mà giáo viên đó có thế mạnh, sau đó cùng thảo luận với nhau. Việc cọ xát trong quá trình làm đề, giải đề giúp chất lượng giáo viên và học sinh dần dần được nâng lên.

Có đề thi tốt, trường tổ chức các cuộc thi thử, thi khảo sát cho học sinh.

[Bài 1: Đầu vào 'lẹt đẹt', đầu ra thủ khoa]

“Sau mỗi lần khảo sát, chúng tôi dùng kết quả này đánh giá giáo viên. Đầu năm chúng tôi cho giáo viên đăng ký chỉ tiêu cần đạt. Ví dụ, thầy được dạy ở lớp 27 điểm thì học sinh thi phải đạt bình quân môn Toán, Lý, Hóa bao nhiêu điểm. Vì thế, mỗi người được giao dạy lớp 27 điểm đều trăn trở làm sao để đạt kết quả như đã đăng ký. Chúng tôi làm công tác thi đua về vấn đề này rất mạnh. Do đó, nên kết quả hàng năm đều rất cao, đứng hàng nhất nhì của tỉnh,” thầy Dỵ chia sẻ.

Những kỳ thi khảo sát ban đầu chỉ dành cho học sinh trong trường, nhưng với sự tín nhiệm khả năng ra đề, khả năng tổ chức thi của các trường bạn, trường Quảng Xương 1 còn nhận được rất nhiều đăng ký dự thi của các học sinh trường khác. Có trường cách 60, 70 cây số vẫn thuê ô tô đưa học sinh đến tham dự. Ví dụ kỳ thi khảo sát ngày 27/5, học sinh khối 12 của trường chỉ gần 500 em nhưng số học sinh trường ngoài đến dự thi cùng lên đến trên 1.300 em, nhiều gấp gần ba lần.

Bài 3: Để có đội ngũ tốt, giáo viên học cách tự ra đề thi ảnh 2Phút nô đùa vui vẻ của thầy Đỗ Thế Minh và các học sinh sau những giờ học căng thẳng. (Ảnh: Đỗ Thế Minh)

Luyện học sinh giải đề

Theo thầy Đỗ Thế Minh, Tổ trưởng chuyên môn Hóa học của trường Quảng Xương 1, để có thể giúp học sinh đạt kết quả thi tốt, mỗi giáo viên đều phải phân tích đề thi giới thiệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm rõ cấu trúc của đề, làm cho học sinh thấy được mức độ kiến thức và kỹ năng cần đạt để có thể giải quyết được 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút .

Giáo viên cũng phải chủ động xây dựng chuyên đề nâng cao, tìm cách giải các câu hỏi khó phù hợp với hình thức trắc nghiệm. Sau mỗi chuyên đề dạy, giáo viên và học sinh cùng tìm tòi các bài tập nâng cao cùng loại đề làm phong phú hơn dạng bài tập vừa ôn tập. Với những dạng bài tập mới, giáo viên cho học sinh thảo luận và thống nhất cách giải để có được lời giải ngắn nhất, hay nhất.

“Bên cạnh đó, việc cho học sinh luyện làm đề là một khâu rất quan trọng. Cần cho học sinh luyện nhiều đề và liên tục trước khi thi,” thầy Minh chia sẻ.

Đề đó phải có tính phân loại cao và bám sát cất trúc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra. Sau mỗi đề luyện, giáo viên cho học sinh ghi và làm lại những câu sai. Nếu học sinh không làm được phải trao đồi với bạn hoặc giáo viên để làm lại thật chính xác các câu hỏi đó.

Với các câu khó, giáo viên cần lưu lại và biến đổi thành đề bài mới cho đề lần sau để học sinh được va chạm nhiều lần.

[Bài 2: Bí quyết đưa “cá chép hóa rồng” của trường làng]

“Đặc trưng đề thi môn Hóa có 50% câu hỏi lý thuyết. Để có điểm cao, giáo viên cần dạy kỹ lý thuyết, giúp các em nắm vững bản chất của vấn đề, từ đó làm các câu hỏi lý thuyết nhanh, chính xác. Khi đó, các em sẽ có nhiều thời gian để chinh phục các bài khó trong đề, như thế sẽ có điểm cao,” thầy Minh bật mí.

Giúp học sinh ôn luyện kiến thức bằng cách làm đề nên theo các học sinh, số lượng đề các em được thầy cô cho làm trong năm học là không đếm xuể.

“Thời gian trong năm học, cứ Chủ nhật là cả khối lớp 12 được đi làm đề. Còn giai đoạn ôn thi cấp tốc thì mỗi tuần chúng em làm từ hai đến ba đề mỗi môn. Chỉ tính đề in ra trên giấy đã là một chồng rất cao,” học sinh Đặng Thị Thương, trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1 chia sẻ.

Cũng theo Thương, chính việc làm nhiều đề, tôi luyện liên tục đã giúp cho kỹ năng làm bài của các em ngày một tốt hơn, tiếp xúc với nhiều dạng đề hơn.

“Không chỉ làm các đề thi trên giấy, các thầy cô giáo còn hướng dẫn chúng em cách để “săn” tài liệu ôn tập, như tham gia vào các hội, nhóm để có thể tiếp cận với nhiều đề thi online của các trường trên cả nước. Điều đó giúp chúng em có cơ hội cọ xát với đa dạng các bài tập, câu hỏi, dạng đề thi và có thể làm bài tốt trong kỳ thi,” em Lê Hoàng Thái, lớp 12T1, Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1, thủ khoa của tỉnh Thanh Hóa trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục