Để mọi người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản

Phổ cập trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho mọi người dân là cơ sở để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Để mọi người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản ảnh 1Lao động nữ được tư vấn về sức khỏe sinh sản miễn phí. (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục đã được thừa nhận là các quyền trong Quyền con người.

Việc đạt được sự tiếp cận phổ cập trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho mọi người dân không chỉ đơn thuần là vấn đề liên quan tới việc thực hiện các Quyền con người mà chính là cơ sở để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu khác, bao gồm các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Vượt qua khó khăn, rào cản

Năm 1994, trên phạm vi toàn cầu đã xuất hiện một sự đồng thuận cho rằng phụ nữ có quyền tự đưa ra quyết định về việc có sinh con hay không, sinh con tại thời điểm nào và họ có thể được tự quyết định khoảng cách giữa các lần sinh và số con.

Đây chính là cơ sở cho việc tổ chức Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển tổ chức tại Cairo vào năm 1994. Hội nghị đã nhấn mạnh một cách rõ ràng vào mối quan hệ phụ thuộc mang tính củng cố lẫn nhau giữa quyền sinh sản và phát triển bền vững.

Hội nghị kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện bao gồm các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tự nguyện, các dịch vụ chăm sóc thai sản và sinh nở an toàn, phòng ngừa và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

[Nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số]

Chương trình hành động cũng thừa nhận rằng chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện trao quyền cho phụ nữ là hai vấn đề đan xen phụ thuộc lẫn nhau, cả hai vấn đề này đều là những cơ sở thiết yếu để đat được sự tiến bộ xã hội.

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, cho biết từ năm 1994 đến nay Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về kế hoạch hóa gia đình cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% (năm 1988) lên 66,3% (năm 2018).

Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tổng tỷ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2,09 vào năm 2006.

Mỗi cặp vợ chồng có hai con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Để mọi người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản ảnh 2Vị thành niên, thanh niên tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe tại điểm tư vấn vừa được khai trương số 262 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh Dương Ngọc/TTXVN)

Phương thức cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được đổi mới và chuyển biến căn bản. Các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trước đây chỉ được cung cấp tại cơ sở y tế công từ tuyến huyện trở lên, nay đã được thực hiện tại các trạm y tế xã và các cơ sở y tế tư nhân, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đã đạt 66,3%, cao hơn trung bình toàn cầu (58%) và hơn cả nhóm các quốc gia phát triển (61%).

Nhiều dịch vụ đã được đưa đến tận nơi người có nhu cầu. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng...

Đảm bảo tất cả người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ

Thông qua các chương trình dân số quốc qua, các biện pháp tránh thai hiện đại đã trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình do các rào cản về kinh tế, địa lý, phạm vi cung cấp dịch vụ của hệ thống y tế, thể chế và pháp lý. Ngoài ra, có một phần vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình, người có HIV, người tàn tật, di cư, người hành nghề mại dâm, người đồng tính có nhu cầu sử dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng chưa được đáp ứng. Để tất cả mọi người dân đều có thể được thực hiện các quyền về sinh sản thì cần xóa bỏ các rào cản này.

Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những thách thức và yêu cầu đặt ra đối với công tác dân số trong những mối quan hệ hữu cơ với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trong tình hình mới, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XII đã có Nghị quyết 21NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Nghị quyết nhấn mạnh việc “tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển;” đề ra hệ thống các quan điểm, mục tiêu và giải pháp có tính bước ngoặt trong chính sách dân số nước ta cho giai đoạn tới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú nêu rõ Nghị quyết 21 NQ/TW nhấn mạnh chuyển trọng tâm chính sách dân số sang dân số và phát triển không có nghĩa xem nhẹ công tác kế hoạch hóa gia đình mà đây vẫn là một nội dung hết sức quan trọng.

Trong thời gian tới bên cạnh việc phát triển toàn diện, ngành dân số vẫn song song tập trung đẩy mạnh tư vấn và cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân; đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Để đảm bảo cho người dân được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình thì trước hết cần cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đa dạng, thuận tiện với chất lượng ngày càng cao; tăng cường tập huấn cho đội ngũ làm dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, cán bộ quản lý.

Tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản tại các xã thuộc vùng khó khăn, biển đảo, địa bàn có mức sinh cao, địa bàn trọng điểm.

Đồng thời, theo ông Nguyễn Doãn Tú, cần tiếp tục triển khai Đề án 906/QĐ-BYT của Bộ Y tế về tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số-kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chương trình tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số...

Bên cạnh đó là việc tăng cường truyền thông dân số với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng vùng miền, đối tượng. Đề xuất lồng ghép nội dung dân số vào sách giáo khoa các môn học chính khóa và giáo dục ngoại khóa theo các chuyên đề cho học sinh của các trường phổ thông trung học.

Ông Nguyễn Doãn Tú Khẳng định công tác dân số vẫn luôn là cuộc vận động xã hội rộng lớn, nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị-xã hội thì không thể thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục