Giao dịch du lịch trực tuyến Việt Nam dự kiến đạt 9 tỷ USD năm 2025

Báo cáo Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD.
Giao dịch du lịch trực tuyến Việt Nam dự kiến đạt 9 tỷ USD năm 2025 ảnh 1Giờ đây, chỉ với vài cú click chuột là mọi dịch vụ về lưu trú, máy bay, ăn uống... đều dễ dàng được đáp ứng. (Ảnh chụp màn hình).

Ngày du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 26/6 tại Hà Nội.

Đây là sự kiện lớn của ngành du lịch Việt Nam với sự tham gia của hơn 600 đại biểu trong nước, quốc tế.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2019 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử năm 2018 cao hơn 30% so với trước đó và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới.

Quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam thông tin cho biết, xu hướng du lịch trực tuyến ngày càng phát triển chóng mặt.

Tới nay chỉ khoảng 30% khách hàng chọn tour du lịch truyền thống bởi cách mạng 4.0 đã đưa du lịch phát triển theo xu hướng mới.

Báo cáo Google và Temasek cũng cho thấy, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng trưởng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD.

[Nhiều chuyên gia đầu ngành sẽ chia sẻ tại Ngày du lịch trực tuyến 2019]

Đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ du lịch khác trên môi trường trực tuyến ngày càng tăng trưởng nhanh và thuận lợi cho người tiêu dùng.

Giao dịch du lịch trực tuyến Việt Nam dự kiến đạt 9 tỷ USD năm 2025 ảnh 2Gian hàng của một trang du lịch trực tuyến tại Hội chợ Du lịch quốc tế lần thứ 6 - VITM Hà Nội 2018. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tầng lớp khách lẻ (FIT) tăng mạnh cả inbound (đón khách nước ngoài) và outbound (đưa khách ra nước ngoài) tạo nhiều cơ hội tiềm năng cho du lịch.

Các mô hình kinh doanh và công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh mẽ trong du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, quy mô thị trường du lịch của việt Nam mới đứng thứ 5/6 nước được xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á và còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Diễn đàn Ngày du lịch trực tuyến năm 2019 gồm 4 phiên. Phiên đầu tiên “Bùng nổ của du lịch trực tuyến” cung cấp bức tranh tổng thể, khái quát về thị trường du lịch Việt Nam, xu hướng phát triển và sự chuyển đổi lựa chọn của khách hàng từ du lịch truyền thống sang du lịch thời đại công nghệ số.

Phiên thứ 2 đề cập đến việc “Nắm bắt hành vi du khách online” để biết tâm lý khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ sản phẩm hiệu quả, đồng thời tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp.

Phiên thứ 3 với chủ đề “Các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến”, các đại biểu, diễn giả thảo luận về việc ứng dụng các hệ sinh thái công nghệ trong quản lý và kinh doanh du lịch. Công nghệ đã thúc đẩy sự hình thành, phát triển các loại hình kinh doanh trực tuyến mới.

Chủ đề của phiên thứ 4 là “Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến” nhằm khẳng định tầm quan trọng của nhân lực, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để bắt kịp xu hướng, thành thạo công nghệ áp dụng vào ngành du lịch.

Trong khuôn khổ Ngày du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến.

Ban tổ chức cũng dành không gian triển lãm về các giải pháp hỗ trợ du lịch nói chung và ứng dụng du lịch trực tuyến nói riêng.

Ngày du lịch trực tuyến 2019 là dịp để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này có được tầm nhìn khái quát về những tiềm năng của ngành tại Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng công nghệ mới tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thông qua đó, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng triển khai du lịch trực tuyến của đơn vị hàng đầu trên thế giới về dịch vụ đặt vé máy bay, phòng khách sạn, tour du lịch…

Đây cũng là cơ hội tạo sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến; nâng cao sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước đối với lĩnh vực du lịch trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục