Mỹ khởi động phần kinh tế trong kế hoạch hòa bình Trung Đông

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng con đường theo hướng thúc đẩy đầu tư cho Palestine là điều kiện tiên quyết cần thiết để chấm dứt hàng thập kỷ xung đột.
Mỹ khởi động phần kinh tế trong kế hoạch hòa bình Trung Đông ảnh 1Cố vấn cấp cao Tổng thống Mỹ, Jared Kushner, người soạn thảo kế hoạch hòa bình Trung Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 25/6, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khởi động phần kinh tế trị giá 50 tỷ USD trong kế hoạch hòa bình Trung Đông, đồng thời cho rằng con đường theo hướng thúc đẩy đầu tư cho Palestine là điều kiện tiên quyết cần thiết để chấm dứt hàng thập kỷ xung đột.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông, phát biểu khai mạc hội nghị quốc tế với chủ đề "Hòa bình tới Thịnh vượng" diễn ra trong 2 ngày tại thủ đô Manama của Bahrain, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng đồng thời là con rể của Tổng thống Trump, Jared Kushner cho rằng sự thịnh vượng của người dân Palestine sẽ không thể đạt được nếu không có một giải pháp chính trị công bằng cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Trọng tâm của Nhà Trắng là phá vỡ thế bế tắc trong các nỗ lực xây dựng hòa bình hiện nay. Do đó, phát triển nền kinh tế cho Palestine sẽ đem lại hòa bình và sự thịnh vượng thực sự.

Theo ông Kushner, kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế cho Palestine sẽ hướng tới 4 mục tiêu chính, bao gồm tăng hơn gấp đôi giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho Palestine, tạo ra hơn 1 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và giảm đói nghèo cho người dân Palestine.

Bên cạnh đó, Mỹ thể hiện mong muốn chứng kiến nền hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho cả người dân Palestine và Israel, đồng thời khẳng định Washington không hề từ bỏ người dân Palestine.

Một số nguồn tin cho rằng Washington hy vọng những quốc gia Arab sẽ thể hiện sự quan tâm đối với kế hoạch này, đồng thời mong muốn nhận được nguồn tài trợ từ các quốc gia và nhà đầu tư để đóng góp cho phần kinh tế trị giá 50 tỷ USD này.

Theo kế hoạch, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp khoảng 50 tỷ USD trong vòng 10 năm, trong đó, 28 tỷ USD sẽ rót về các vùng lãnh thổ của Palestine gồm Bờ Tây do Israel chiếm đóng và Dải Gaza, 7,5 tỷ USD dành cho Jordan, 9 tỷ USD dành cho Ai Cập và 6 tỷ USD dành cho Liban.

Ngoài ra, trong số 179 dự án kinh doanh và cơ sở hạ tầng được đề xuất có dự án hành lang vận tải trị giá 5 tỷ USD kết nối Bờ Tây và Dải Gaza.

Những nội dung kinh tế tại hội nghị ở Bahrain được coi là phần thứ nhất trong kế hoạch chính trị rộng lớn hơn của Washington nhằm đem lại hòa bình cho Trung Đông.

Tuy nhiên, phần chính trị trong kế hoạch này hiện vẫn là một ẩn số và vẫn chưa rõ liệu Mỹ có từ bỏ giải pháp "hai nhà nước" hay không.

Phía Palestine đã tẩy chay hội nghị tại Bahrain, tái khẳng định lập trường bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ với quan điểm cho rằng kế hoạch này đã thiên vị Israel và không giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột Israel-Palestine.

Nhiều quốc gia khác trong khu vực như Israel hay Iraq và Lebanon cũng đã không tham dự hội nghị.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN thường trú tại New York, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh điều quan trọng đối với tiến trình hòa bình Trung Đông là thúc đẩy nỗ lực theo đuổi hòa bình để hiện thực hóa mục tiêu "hai nhà nước."

Tuyên bố trên được Tổng Thư ký Guterres đưa ra trong bài phát biểu khai mạc hội thảo ở trụ sở Liên hợp quốc bàn về cách thức gây quỹ cho Quỹ cứu trợ Liên hợp quốc đối người tị nạn Palestines (UNRWA)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục