'Vũ khí nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật' có giá 162.500 euro

"Vũ khí nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật" - khẩu Lefaucheux 7mm cũ gỉ đã cướp đi sinh mạng của danh họa Van Gogh đã được một nhà sưu tập tư nhân mua lại với giá 162.500 euro.
'Vũ khí nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật' có giá 162.500 euro ảnh 1Khẩu súng đã cướp đi sinh mạng của danh họa Van Gogh. (Nguồn: AP)

Khẩu súng lục ổ quay mà danh họa nổi tiếng người Hà Lan Vincent van Gogh được cho là đã dùng để tự sát đã được bán với giá 162.500 euro tại chợ đấu giá Paris (Pháp) ngày 19/6, cao gần gấp 3 lần mức giá dự kiến.

Được gọi là "vũ khí nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật," khẩu Lefaucheux 7mm đã cũ gỉ này được một nhà sưu tập tư nhân mua lại trong phiên đấu giá của Art Auction.

Van Gogh đã qua đời tháng 7/1890 và các chuyên gia tin rằng ông đã tự bắn vào mình bằng khẩu súng trên tại một cánh đồng lúa mì gần Auvers-sur-Oise, một khu làng ở phía Bắc thủ đô Paris nơi ông sống những tháng cuối đời.

Kể từ khi được một nông dân phát hiện năm 1965 tại cánh đồng đó, khẩu súng đã được trưng bày trong Viện bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam.

Tuy nhiên, việc bán đấu giá khẩu súng đã gây tranh cãi ngay trước phiên đấu giá, khi Viện Van Gogh, tổ chức quản lý quán trọ trong ngôi làng trên mà danh họa đã sống, lên án việc này.

Trong một tuyên bố, viện trên cho rằng "không gì cho thấy (khẩu súng) thực sự liên quan đến cái chết của Van Gogh" và lên án việc "thương mại hóa một thảm kịch vốn xứng đáng được tôn trọng nhiều hơn."

[Phát hiện mới về thói quen sáng tác của danh họa Van Gogh]

Trong khi Art Auction thừa nhận không có cách nào để chắc chắn đây đã là vũ khí giết người, họ nhấn mạnh các kiểm tra kỹ thuật cho thấy nó đã nằm trong đất 75 năm, đúng thời gian kể từ khi Van Gogh qua đời cho đến khi khẩu súng được tìm thấy.

Van Gogh đã thuê khẩu súng từ người chủ quán trọ. Viên đạn được lấy ra từ ngực của Van Gogh có đường kính đúng bằng viên đạn được sử dụng cho loại súng lục ổ quay Lefaucheux.

Tuy nhiên, ai là người thực hiện phát súng là điều không thể khẳng định và cho tới giờ, chi tiết này vẫn là một ẩn số thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lịch sử hội họa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục