Vụ gian lận thi cử tại Hà Giang: Dù 'chạy tiền' hay 'nhờ vả' đều phải xử lý

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, “rất khó tin” đứng đằng sau việc sửa điểm chỉ là "nhờ vả", "nể nang". Và dù có như vậy thật thì cũng phải xử lý nghiêm người chạy điểm cho con, em.

Liên quan đến diễn biến điều tra vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đã ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can về 3 tội danh trong vụ gian lận điểm thi, xảy ra năm 2018 tại địa phương này. Tuy nhiên, trong cáo trạng không thể hiện rõ việc các phụ huynh đã chi tiền để nhờ nâng điểm cho con em mình như thế nào.

Theo chiều hướng điều tra, xác minh của các cơ quan tố tụng, việc nâng điểm cho 107 thí sinh của tình này chủ yếu do "nhờ vả", "nể nang" chứ chưa phát hiện dấu hiệu tiền bạc.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vụ việc gian lận thi cử ở Hà Giang, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những phụ huynh có con em được nâng điểm đều có vị trí trong xã hội, trong bộ máy công quyền. Cho nên, cũng có thể lý giải cho hành vi chạy điểm là xuất phát từ mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, mối quan hệ thân tình hoặc quan hệ nào đó.

Video đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo Tin Tức:

 

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Tất Thắng cũng bình luận: Trong thực tế, kết luận này không thực sự thuyết phục. Bởi vừa qua, báo chí cũng nêu lên những con số rất cụ thể liên quan đến giá tiền trong việc sửa điểm.

Theo ông Phạm Tất Thắng, dù không đưa tiền, không có hành vi đưa và nhận hối lộ đi chăng nữa thì việc nhờ vả theo kiểu quan hệ quen biết hoặc dùng sức ép của cấp trên với cấp dưới để có hành vi sửa điểm như vậy vẫn hoàn toàn có thể xử lý được.

“Người cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, khi đặt yêu cầu với cấp dưới, đồng nghiệp thì phải hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu rõ những hành vi nào được làm, những hành vi nào không được phép, những hành vi nào bị cấm. Trong trường hợp này, dùng những quan hệ, dù là quan hệ tình cảm đi chăng nữa của cấp trên tác động tới cấp dưới, đồng nghiệp của mình để làm sai lệch điểm, thay đổi kết quả của cả một kỳ thi, thì đó là những hành vi bị cấm. Và các cá nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, ông Phạm Tất Thắng nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết thêm, việc làm này còn liên quan đến trách nhiệm nêu gương. Cụ thể, các cán bộ, đảng viên giữ vai trò quản lý lãnh đạo thì càng phải gương mẫu, càng phải có trách nhiệm với hành vi của mình. Không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng, xã hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng, khó có chuyện sửa điểm cho hàng trăm người mà lại chỉ do tình cảm. “Nếu nói là không có gì thì tức là chưa tìm ra được chứng cớ chứ không phải là hoàn toàn không có", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

gian lan
Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đọc lệnh bắt tạm giam đối với Vũ Trọng Lương -người được xác định đã trực tiếp sửa (nâng) điểm hơn 300 bài thi của 114 thí sinh tại cụm thi THPT Quốc gia tại Hà Giang.  Ảnh: Diệu Loan/TTXVN phát

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, với sự việc này, cử tri đặt ra câu hỏi: Thứ nhất, những người trong cuộc có trung thực, thành khẩn khai báo hay không. Thứ hai, biết đâu trong quá trình điều tra có sự khuất tất, bao che để giấu giếm cho nhau.

“Dù có là ‘ông giời’ ở địa phương đó thì cũng phải xử lý để đảm bảo sự công bằng. Như thế thì không còn xứng đáng là cán bộ nữa. Đặc biệt, ngồi ghế lãnh đạo mà không gương mẫu, đảng viên không gương mẫu thì chưa nói tới xử lý hình sự, chỉ cần xử lý theo sự gương mẫu của đảng viên là được rồi”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Trước đó, cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị truy tố 5 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cụ thể, bị can Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự. Bị can Triệu Thị Chính (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự. Hai bị can Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) và Lê Thị Dung (Phó Đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang) phạm tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” được quy định tại Điều 366 Bộ luật Hình sự.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Đại biểu Quốc hội ‘sốt ruột’ vì xử lý gian lận thi cử quá chậm
Đại biểu Quốc hội ‘sốt ruột’ vì xử lý gian lận thi cử quá chậm

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 sắp diễn ra, song việc xử lý những gian lận thi cử, nâng điểm của kỳ thi năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La vẫn chưa kết thúc. Điều đó khiến dư luận xã hội rất băn khoăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN