Ngành khai thác dầu và khí đốt của Liban hút các công ty Nga, EU

Các công ty của Nga và châu Âu đang rất quan tâm đến lĩnh vực dầu và khí đốt của Liban trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị tiến hành hoạt động khoan ở ngoài khơi vào cuối năm.
Ngành khai thác dầu và khí đốt của Liban hút các công ty Nga, EU ảnh 1Gazprom đang rất quan tâm đến lĩnh vực dầu và khí đốt của Liban. (Nguồn: gazpromneft-oil.com)

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Liban, bà Nada Boustani, cho biết các công ty của Nga và châu Âu đang rất quan tâm đến lĩnh vực dầu và khí đốt của Liban trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị tiến hành hoạt động khoan ở ngoài khơi vào cuối năm.

Bà Boustani cho biết một số công ty lớn đã đến Liban, trong đó có Gazprom và Lukoil của Nga và sắp tới là BP của Anh.

Ngoài ra, các hãng Total của Pháp, ENI của Italy và Novatek của Nga cũng rất muốn đầu tư vào hai ngành này ở Liban.

Riêng với các công ty Mỹ, hiện họ chưa tham gia đấu thầu khoan thăm dò xa bờ ở Liban, nhưng hôm 13/6 vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Cận Đông, ông David Satterfield, đã trao đổi với bà Boustani về chủ trương tham gia của các công ty Mỹ vào lĩnh vực năng lượng của Liban.

Theo Bộ trưởng Boustani, đây đều là "các bước đi tích cực."

Năm 2018, Liban ký hợp đồng đầu tiên khoan khai thác dầu và khí đốt trong vùng lãnh hải của nước này.

Một liên doanh gồm các “đại gia” năng lượng Total, ENI và Novatek đã tham gia đấu thầu 2 lô đầu tiên trong số 10 lô, trong đó có một lô đang có tranh chấp với Israel.

Tiếp đó ngày 5/4, Liban mời liên danh quốc tế gồm ít nhất 3 công ty đấu thầu cho 5 lô tiếp theo có thời hạn cuối vào tháng 1/2020.

Theo kế hoạch, Liban và Israel sẽ bắt đầu tiến hành đàm phán trực tiếp đầu tiên về phân định biên giới trên biển vào tháng Bảy tới, một phần nhờ công ngoại giao con thoi của ông David Satterfield.

Nếu đàm phán tiến triển và hai bên đạt được hiệp định phân định biên giới trên biển, điều này sẽ tác động tích cực đến các dự án thăm dò và khai thác dầu, khí đốt xa bờ trên biển Đông Địa Trung Hải.

Theo một quan chức Israel, cuộc đàm phán trực tiếp tới đây giữa hai nước có thể sẽ diễn ra tại cơ sở của Liên hợp quốc ở Naqoura, miền Nam Liban.

Trong lần gặp này, hai bên sẽ chỉ giải quyết vấn đề phân định biên giới trên biển, không đàm phán vấn đề biên giới trên đất liền.

Ngoài ra, cũng có thể hai bên sẽ thảo luận về việc cho phép các công ty năng lượng tiến hành khảo sát trong vùng lãnh hải chồng lấn của hai nước, nơi được cho là có trữ lượng lớn dầu thô và khí đốt.

Về mặt kỹ thuật, hiện Liban và Israel vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, mặc dù Tel Aviv đã rút quân khỏi miền Nam Liban từ năm 2000./.  

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục