Lộ rõ 'hình hài' dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long

Hiện nay, dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đạt tiến độ hơn 30% và sẽ hoàn thành sau 28 tháng thi công (dự kiến kết thúc vào tháng 10/2020).
Phần thân trụ của dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đang dần dần lộ rõ hình hài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phần thân trụ của dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đang dần dần lộ rõ hình hài. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau hơn 1 năm được khởi công, dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đang dần dần thành “hình hài” khi tất cả các gói thầu đều được thi công đảm bảo sát với tiến độ đề ra nhằm góp phần khơi thông một trong những tuyến giao thông quan trọng bậc nhất của Thủ đô vốn đang trong tình trạng ách tắc, quá tải.

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, được chia làm 2 gói thầu, bao gồm gói thầu số 1 xây dựng đoạn Mai Dịch-Cổ Nhuế (Km0+130-Km2+812,50), do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) và Cienco4 (Việt Nam) làm nhà thầu chính; gói thầu số 2 xây dựng đoạn Cổ Nhuế-Nam Thăng Long (Km2+812,5-Km5+497,7) do liên danh Tokyu-Taisei (Nhật Bản) làm nhà thầu chính. Cả hai gói thầu lần lượt được được khởi công vào tháng 4 và 5/2018.

Đến thời điểm hiện tại, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng từ thành phố Hà Nội và bàn giao cho nhà thầu thi công. Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã có thông báo (cấp phép rào chắn) cho nhà thầu thi công trên toàn bộ các phạm vi được bàn giao.

[Hà Nội gỡ ‘nút thắt’ giao thông nhờ 4,8km cầu cạn trên cao]

“Hiện nay, tiến độ gói thầu số 1 đạt 30,7%, gói thầu số 2 các đơn vị thi công đã hoàn thành được 34,7%. Tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu. Theo hợp đồng đã ký kết, dự án sẽ hoàn thành sau 28 tháng thi công (dự kiến kết thúc vào tháng 10/2020),” ông Roãn cho biết.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Thăng Long đang chỉ đạo nhà thầu phối hợp các ban ngành của thành phố Hà Nội để thực hiện dự án đối với các vị trí có chung phạm vi thi công giữa hai dự án.

Ông Phạm Hoàng Giang, tư vấn giám sát OCG-TEDI của gói thầu số 1 cho biết, nhà thầu đã tiến hành thi công đào cọc khoan nhồi, làm thân bệ trụ, xà mũ, đúc và lao dầm Super T… Tại công trường, từng tốp công nhân đang hàn khung sắt bệ đỡ xà mũ nhằm thực hiện việc lao lắp dầm tại một số trụ đã hoàn thành.

“Quá trình lao lắp dầm Super T sẽ được thực hiện vào ban đêm từ 22 giờ tới 5 giờ sáng ngày hôm sau. Khi xe vận chuyển dầm đến, nhà thầu tiến hành chặn đường tạm thời trong khoảng 15 phút để nhấc dầm lên xà mũ của trụ để giải tỏa thông đường. Mỗi phiến dầm nặng 68-70 tấn, bình quân từ lúc vận chuyển ở nơi đúc bãi đến lao lắp khoảng 2 tiếng/dầm. Tuy nhiên, nhà thầu thường lao lắp 2 phiến liên tiếp gối nhau nên thời gian phiến dầm sau sẽ rút ngắn chỉ còn 30 phút,” ông Giang cho hay.

Mặt khác, theo ông Giang, nhà thầu quản lý chất lượng chặt chẽ kiểm soát chất lượng thi công đồng thời tư vấn giám sát và chủ đầu tư kiểm tra giám sát để khi có vướng mắc sẽ điều chỉnh để đảm bảo chất lượng công trình tốt nhất.

Lộ rõ 'hình hài' dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long ảnh 1Nhà thầu đang tiến hành thi công xà mũ trụ để chuẩn bị lao lắp dầm trên cao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Do tuyến đường Phạm Văn Đồng vừa thi công vừa phải phục vụ giao thông nên các hàng rào bao quanh dự án được làm khá chắc chắn, buổi tối có đèn quay cảnh giới cho người tham gia giao thông. Dọc theo hàng rào là các hố ga, rãnh thu nước để tránh bùn và nước thải từ công trường tràn ra đường gây bụi bẩn, ảnh hưởng tới người tham gia giao thông.

[Động thổ xây cầu cạn 5.343 tỷ đồng đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long]

“Nhà thầu Nhật Bản rất khắt khe về vấn đề an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Công trường làm đến đâu phải sạch sẽ đến đó thì mới được làm tiếp,” ông Giang nhấn mạnh.

Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long khi được thi công xong sẽ khớp nối đồng bộ với đường vành đai 3 dưới thấp (đường Phạm Văn Đồng) từ đó sẽ góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn như: Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn..., hoàn thiện dự án vành đai khép kín, kết nối sân bay và các khu vực lân cận./.

Dự án xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 thành phố Hà Nội có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100Km/giờ (đoạn cuối tuyến châm chước vận tốc 80Km/giờ). Chiều dài cầu và đường dẫn 5,3Km (riêng cầu cạn dài 4,8Km).

Tổng mức đầu tư dự án là 5.343  tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước. Tư vấn thiết kế là Liên danh NK-NE-NKV. Tư vấn giám sát gồm  Liên danh OCG, OC, KEI, TEDI liên kết với APECO.

Để xây dựng tuyến đường này, Hà Nội đã di chuyển, chặt hạ gần 1.200 cây xanh trên trên tuyến đường vành đai 3 đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục