Tấn công mạng - điều khó tránh khỏi trong các cuộc bầu cử

Quan chức Mỹ cho rằng hoạt động tấn công mạng vào các hệ thống bầu cử ở Mỹ, bao gồm cả những đối thủ ở nước ngoài, là điều không thể tránh khỏi.
Tấn công mạng - điều khó tránh khỏi trong các cuộc bầu cử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

AP đưa tin các quan chức chính phủ Mỹ hôm 22/5 cho hay hoạt động tấn công mạng vào các hệ thống bầu cử ở Mỹ, bao gồm cả những đối thủ ở nước ngoài, là điều không thể tránh khỏi, và thách thức thực sự chính là việc đảm bảo đất nước đủ kiên cường để chống lại các vấn đề thảm khốc từ các hoạt động vi phạm an ninh mạng.

Ý kiến của các đại diện từ Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa đã nhấn mạnh những thách thức đối với các chính phủ liên bang và tiểu bang trong việc cố gắng tránh sự can thiệp từ các quốc gia khác trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

[Tổng thống Trump chỉ trích cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ]

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã dẫn chứng bằng tài liệu một nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 mà Moskva thực hiện nhằm hậu thuẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng cách tấn công, xâm nhập vào các trang mạng của các nghị sỹ đảng Dân chủ và phát tán các thông tin đánh lạc hướng trên trực tuyến.

Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) Chris Wray hồi tháng 4/2019 cho biết chính phủ coi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ tháng 11/2018 chính là “một màn tổng duyệt cho cuộc trình diễn lớn vào năm 2020."

Adam Hickey, Phó trợ lý Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Mỹ, đã nói với một tiểu ban Giám sát và Cải cách Hạ viện rằng việc tấn công mạng là điều "không thể tránh khỏi."

Ông nói: “Các hệ thống được kết nối Internet, nếu chúng bị nhắm mục tiêu bởi một đối thủ xác định với đủ thời gian và nguồn lực, chúng có thể bị xâm nhập. Vì vậy, chúng ta cần tập trung vào việc phục hồi chúng.”

Ông cho rằng cần để các nước đánh giá, các nhà điều tra giải đáp và cần có niềm tin vào các đại diện dân cử và các quan chức nhà nước bởi họ chính là những người phải giải quyết các sự kiện xảy ra bất ngờ...

Ông nói: “Nếu chúng ta làm suy yếu chính mình và sự tự tin trong hệ thống của chúng ta cũng chính là chúng ta làm thay công việc cho kẻ địch."

Chris Krebs, người đứng đầu các nỗ lực ngăn chặn tấn công mạng của Bộ An ninh Nội địa, đã lặp lại thông điệp rằng “bảo mật 100% không phải là mục tiêu, mà mục tiêu mà phục hồi hệ thống. Vì vậy, ngay cả khi bạn có một ngày tồi tệ, đó cũng chưa hẳn là một ngày thảm khốc."

Các quan chức cũng cho biết họ tin tưởng rằng có việc nước ngoài xâm nhập các cơ sở dữ liệu của cử tri ở hai quận thuộc bang Florida trước cuộc bầu cử năm 2016 không ảnh hưởng đến tổng số phiếu bầu ở đó.

Một hệ thống phát hiện xâm nhập đã được thiết lập ở 66 trong tổng số 67 quận của bang này, và theo ông Krebs, “quận thứ 67 đang trong quá trình thiết lập ngay bây giờ.”

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp, bao gồm nghị sỹ Debbie Wasserman Schultz của bang Florida, cũng là cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ, cho biết họ thất vọng vì FBI không hề công khai xác nhận 2 quận bị tấn công.

Bà Schultz nói: “Sự thiếu minh bạch từ trên xuống dưới trong chính quyền là điều gây choáng váng, và điều đó làm giảm niềm tin của cử tri trong hệ thống bầu cử của chúng ta."

Đại diện các công ty công nghệ lớn, bao gồm Facebook, Google và Twitter, cũng đã lên tiếng.

Cụ thể là ông Nathan Gle Rich, người phụ trách chính sách an ninh mạng của Facebook, cho biết: “Facebook quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ tính toàn vẹn của quá trình dân chủ. Chúng tôi không muốn bất kỳ ai lợi dụng những công cụ của chúng tôi để làm suy yếu các cuộc bầu cử hay nền dân chủ.”

Ông nói rằng Facebook có hơn 30.000 người trên toàn công ty đang làm việc để đảm bảo an toàn và an ninh, nhiều gấp 3 lần so với năm 2017./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục