Thúc đẩy cộng đồng vào quá trình quyết định quản trị nước sông Mekong

Ngày 27/5, ở Hà Nội, Ủy ban sông Mekong và Mạng lưới Sông ngòi của Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định trong quản trị nước sông Mekong."
Thúc đẩy cộng đồng vào quá trình quyết định quản trị nước sông Mekong ảnh 1Ngư dân đánh bắt cá trên sông Mekong. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Ủy ban sông Mekong Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình ra quyết định trong quản trị nước sông Mekong.”

Hội thảo nằm trong nỗ lực tăng cường sự trao đổi, chia sẻ các kết quả của hợp tác Mekong, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong hợp tác và bảo vệ nguồn nước sông Mekong.

Theo tiến sỹ Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Hội thảo nhằm cập nhật các kết quả hợp tác trong khuôn khổ của Ủy hội sông Mekong Quốc tế và Ủy ban sông Mekong Việt Nam; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội, phi chính phủ, cộng đồng trong quản trị nước sông Mekong trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội ở thượng lưu và biến đổi khí hậu.

Hội thảo cũng góp phần đưa ra quyết định trong quá trình quản trị nước sông Mekong để phát triển sử dụng bảo vệ tài nguyên nước, các tài nguyên khác liên quan trên toàn lưu vực sông Mekong nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên nói riêng.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 4 triệu hecta đất tự nhiên, nằm ở cuối nguồn của sông Mekong và nhận hơn 85% khối lượng nước từ sông Mekong trước khi đổ ra Biển Đông và Vịnh Thái Lan.

Hiện các thách thức trong quản trị nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu rất nhiều nguồn, trong đó có nguồn nhân lực có kỹ năng; các dữ liệu cơ bản; khả năng tiếp tục theo đuổi, tính mềm dẻo và khả năng thích ứng; kinh phí và thời gian….

Chính vì vậy, phát triển và quản lý nước phải dựa trên cơ sở tiếp cận với sự tham gia của các bên có liên quan, từ người sử dụng đến người lập kế hoạch, người lập chính sách ở mọi cấp độ.

[Con người đang bóp nghẹt 75% các dòng sông lớn nhất thế giới]

Hơn nữa, khuyến khích gia tăng đối thoại giữa các cơ quan quản trị và dịch vụ nước với cộng đồng địa phương, cụ thể, cần tăng cường chiến lược sử dụng nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; giám sát chất lượng nước; thông tin tình trạng hệ thống thủy lợi; chống thất thoát nước; các giải pháp giúp giảm chi phí sử dụng nước… Đặc biệt, công tác truyền thông cho cộng đồng và phụ nữ cần được đẩy mạnh nhằm tăng cường nhận thức trong bảo vệ nguồn nước.

Bàn về thực trạng, đề xuất quản trị tài nguyên nước ở lưu vực 3S-Tây Nguyên (gồm 6 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần của Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế), kỹ sư Phạm Hữu Hào, nguyên phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông cho rằng: thực tế vai trò của các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh lưu vực 3S còn rất hạn chế bởi chưa có tổ chức nào thực sự đóng vai trò chủ đạo; chưa có các diễn đàn cho các bên liên quan và các cộng đồng tổ chức tọa đàm, làm việc với nhau để tham gia đưa ra các quyết định phù hợp trong quản trị tài nguyên nước. Những đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp, phát điện hầu như không có tiếng nói trong các quyết định về quản trị tài nguyên nước.

Do vậy, cần sớm thành lập tổ chức làm nhiệm vụ quản trị nước trên các lưu vực 3S Sông Sekong, Sesan và Srepok; tổ chức lưu vực sông nên theo hình thức hội đồng với sự tham gia của tất cả các tổ chức chính trị, xã hội trong lưu vực, các thành viên đều bình đẳng và ý kiến được tôn trọng như nhau; tăng cường công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng về tài nguyên nước.

Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động được toàn bộ các cộng đồng trong lĩnh vực tham gia góp ý, biểu quyết thông qua và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, ban hành; định kỳ tổ chức tọa đàm các bên liên quan trong việc quản lý, khai thác nguồn nước…

Bên cạnh đó, các nhà khoa học, chuyên gia và một số đại biểu của cộng đồng Đồng bằng sông Cửu Long đề xuất các giải pháp để thúc đấy sự tham gia của cộng đồng trong quản trị nước sông Mekong, trước hết cần xem xét ưu tiên các đề xuất quản trị nước theo ý kiến của cộng đồng ở các ban quản lý/Ủy ban; có chính sách ưu đãi về phụ cấp, điều kiện làm việc khác cho đại diện cộng đồng tham gia các hoạt động quản trị nước.

Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn phân quyền và trao quyền cho những người dân có đủ năng lực, kỹ năng tham gia quản trị nguồn nước; tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị nước cho cộng đồng và phụ nữ tích cực qua việc chia sẻ thông tin về khả năng tiếp cận nguồn nước; hỗ trợ cộng đồng để động viên mọi người cùng có trách nhiệm tham gia các ý kiến trong quản trị nguồn nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục