Nhân viên Huawei lo lắng trước lệnh trừng phạt của Mỹ

Trong khi người sáng lập của Huawei tỏ ra bình tĩnh và coi thường lệnh cấm vận của Mỹ đối với công ty của mình, thì một bộ phận nhân viên của gã khổng lồ viễn thông này đã bớt lạc quan.
Nhân viên Huawei lo lắng trước lệnh trừng phạt của Mỹ ảnh 1(Nguồn: AFP)

Trong khi người sáng lập của Huawei tỏ ra bình tĩnh và coi thường lệnh cấm vận của Mỹ đối với công ty của mình, thì một bộ phận nhân viên của gã khổng lồ viễn thông này đã bớt lạc quan, đồng thời thú nhận nỗi lo lắng về tương lai của họ trong các phòng chat trực tuyến.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) tuyên bố hãng này đã tự sản xuất được chip riêng và có khả năng tự sản xuất để chống lại lệnh cấm của Mỹ, có thể làm tê liệt việc sử dụng các thành phần và phần mềm của Mỹ trong các sản phẩm của hãng công nghệ Trung Quốc.

"Nếu bạn thực sự muốn biết những gì đang xảy ra với chúng tôi, bạn có thể truy cập Cộng đồng Xinsheng của chúng tôi," ông Nhậm nói với truyền thông Trung Quốc, ám chỉ diễn đàn nội bộ của Huawei mở một phần cho người xem bên ngoài công ty.

Nhưng khi truy cập vào Xinsheng, người ta thấy lời nói của ông Nhậm đã không trấn an được tất cả mọi nhân viên trong công ty có trụ sở tại Thâm Quyến.

"Trong thời điểm khó khăn, chúng ta nên làm gì với tư cách cá nhân?" một câu hỏi được một nhân viên có tên gọi Xiao Feng nêu ra trên diễn đàn vào thứ Năm 24/5.

"Ở nhà giảm các khoản vay nợ của bạn và duy trì đủ tiền mặt," Xiao Feng tự trả lời câu hỏi của mình. "Lập kế hoạch cho tài sản tài chính của bạn và đừng quá lạc quan về thù lao và thu nhập của bạn."

Tuần trước, Google đã cắt đứt quan hệ với Huawei do lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump, trong đó dừng cập nhật hệ điều hành Android cung cấp sức mạnh cho hầu hết các điện thoại thông minh trên thế giới, trong đó có điện thoại của Huawei.

Một đối tác quan trọng khác, ARM Holdings - một nhà thiết kế chất bán dẫn của Anh thuộc sở hữu của tập đoàn Softbank (Nhật Bản) - cho biết họ đang tuân thủ các hạn chế của Mỹ.

"Bản thân Huawei không thể giải quyết vấn đề này, chúng tôi cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính sách của chính phủ," một nhân viên giấu tên viết tuần trước, trong một bài đăng nhận được hàng chục lượt thích và bình luận.

Nhân viên này đã vạch ra một kế hoạch cho Trung Quốc để ngăn chặn thị trường điện thoại thông minh của họ khỏi tất cả các thành phần của Mỹ giống như cách Bắc Kinh hỗ trợ các gã khổng lồ công nghệ Internet của họ đứng sau một bức "tường lửa vĩ đại" ngăn chặn Google, Facebook, Twitter và hàng chục công ty nước ngoài khác.

"Thị trường nội địa của chúng tôi đủ lớn, chúng tôi có thể sử dụng cơ hội này để xây dựng các nhà cung cấp trong nước và hệ sinh thái của chúng tôi," nhân viên này viết.

Tuy nhiên, nhà sáng lập Huawei không ủng hộ quan điểm trên. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, ông Nhậm Chính Phi nói: "Chúng ta không nên thúc đẩy chủ nghĩa dân túy; chủ nghĩa dân túy gây bất lợi cho đất nước," và lưu ý rằng gia đình ông sử dụng các sản phẩm của Apple "từ rất lâu."

Các nhân viên khác đã lên chiến lược để phá vỡ lệnh cấm của Mỹ.

Một người ủng hộ chuyển sang nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba để mua các thành phần cần thiết. Một người khác đặt ra triển vọng thành lập hàng chục công ty mới để mua hàng từ các nhà cung cấp ở Mỹ.

Nhiều người đã lên án Mỹ và đề nghị chính phủ Trung Quốc cấm McDonald, Coca-Cola và các bộ phim và chương trình truyền hình Mỹ.

"Lần đầu tiên đăng bài dưới tên thật của tôi: chúng tôi phải làm tốt công việc của mình, thăng tiến và rút lui với công ty của chúng tôi," một nhân viên tên Xu Jin viết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục