Cần Thơ đã xuất hiện dịch tả châu Phi, trên 100 con lợn bị tiêu hủy

Ba ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở các hộ chăn nuôi ở các phường Thường Thạnh, phường Phú Thứ thuộc quận Cái Răng và phường Long Hoà thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Cần Thơ đã xuất hiện dịch tả châu Phi, trên 100 con lợn bị tiêu hủy ảnh 1Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực có ổ dịch tả lợn châu Phi. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 25/5, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết trên địa bàn thành phố Cần Thơ vừa xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, 3 ổ dịch được phát hiện ở các hộ chăn nuôi ở các phường Thường Thạnh, phường Phú Thứ thuộc quận Cái Răng và phường Long Hoà thuộc quận Bình Thủy.

Theo ông Hè, số lợn bị nhiễm dịch bệnh và bị tiêu hủy là trên 100 con.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh ở các địa phương giáp ranh với thành phố Cần Thơ như Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã có buổi họp khẩn trực tuyến với các địa phương triển khai phòng chống dịch lây lan.

Thành ủy Cần Thơ cũng có công văn chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thanh Dũng làm trưởng ban.

[Rà soát tìm phương án hiệu quả phòng chống dịch tả lợn châu Phi]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống yêu cầu, Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức, ý thức phòng chống dịch trong tất cả lực lượng làm nhiệm vụ, người chăn nuôi; theo dõi diễn biến bệnh tại địa bàn lân cận để có biện pháp phòng tránh, xử lý kịp thời nếu bệnh dịch xảy ra; đồng thời, kiểm soát quá trình vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn.

Ban chỉ đạo cũng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hóa chất, vật tư để xử lý khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, đồng thời hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy theo quy định.

Các quận, huyện tập trung thực hiện kế hoạch, hành động phòng, chống dịch đã được ban hành; quy hoạch sẵn điểm tiêu hủy lợn khi xuất hiện bệnh; lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cơ sở giết mổ, điểm kinh doanh thịt lợn, sản phẩm lợn nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, kịp thời xử lý sản phẩm không rõ nguồn gốc; công khai, phổ biến số điện thoại ngành thú y để người dân thông tin, báo cáo kịp thời nếu bệnh dịch xảy ra.

Theo Chi cục Thú y vùng VII, đã có 6 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra dịch tả lợn châu Phi gồm: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ.

Tính đến ngày 24/5, số lợn chết và tiêu hủy là gần 2.000 con với tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy gần 111 tấn. Riêng tại Cần Thơ, số lợn chết, tiêu hủy tại 3 ổ dịch là 147 con.

Hiện Chi cục Thú y vùng VII đã xét nghiệm mẫu kịp thời, đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh và phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh đang xảy ra dịch để thực hiện công tác điều tra, phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn tiêu hủy đàn lợn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh đang xảy ra dịch tiếp tục kiểm tra, rà soát đàn lợn trên địa bàn về tình hình dịch bệnh, thống kê lại đàn lợn hiện có tại xã/phường có dịch và các xã, phường tiếp giáp ổ dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh đang xảy ra dịch lập chốt kiểm dịch trên tuyến giao thông, thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi tại ổ dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục