PAR INDEX 2018 đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương

Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 (PAR INDEX 2018) đã cơ bản phản ánh đầy đủ những kết quả đạt được của các bộ trong cải cách hành chính trên từng lĩnh vực.
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và các đại biểu chủ trì hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và các đại biểu chủ trì hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có sự chỉ đạo xuyên suốt linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội được đề ra từ đầu năm, đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Nhiều nghị quyết liên quan đến cải cách hành chính đã được Chính phủ ban hành, nhất là về công tác xây dựng pháp luật đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính.

Những nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với chủ đề “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” cũng được ghi nhận trong năm qua.

Các bộ, ngành đã tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số còn dư địa, thấp điểm, thấp hạng; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý với quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Các bộ, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Các bộ, ngành tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; phấn đấu mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp...

Nhiều sáng kiến, mô hình hay, giải pháp mới trong triển khai cải cách hành chính đã được áp dụng như Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối các nhà thuốc tới Bộ Y tế, thông qua đó có thể quản lý chặt chẽ về chất lượng thuốc, giá thuốc và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.

Hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề xuất nội dung chi tiết một số biểu mẫu và phương pháp thu thập, xử lý dữ liệu đánh giá tác động dự án đầu tư công; xây dựng quy trình theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính tại cơ quan Bộ.

Có thể nói, cải cách hành chính đã được triển khai và đạt nhiều kết quả nổi bật trên bình diện Chính phủ nói chung và tại từng bộ, ngành nói riêng. Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 (PAR INDEX 2018) đã cơ bản phản ánh đầy đủ những kết quả đạt được của các bộ trong cải cách hành chính trên từng lĩnh vực.

Ngân hàng Nhà nước năm thứ 4 liên tiếp giữ ngôi vị đứng đầu

Theo kết quả PAR INDEX 2018 được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 24/5, giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của 18 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 82,68% và không Bộ nào có kết quả Chỉ số dưới 70%; trong đó, có tới 14 bộ, ngành có Chỉ số cải cách hành chính trên 80%.

Tuy nhiên, chỉ có 8 bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cao nhất với kết quả là 90,57%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả thấp nhất với giá trị 75,13%. Khoảng cách giữa hai cơ quan này là 15,44% (năm 2017, khoảng cách này là 20,23%).

So sánh giá trị Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 với năm 2017 cho thấy có 15 đơn vị tăng điểm số so với Chỉ số cải cách hành chính năm 2017, trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8,11% (từ 72,61% năm 2017 lên 80,72% năm 2018).

[Quảng Ninh và Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu xếp hạng cải cách hành chính]

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 và cũng là năm thứ 4 liên tiếp trụ vững ở ngôi vị này, tuy nhiên, điểm số của ngành này năm 2018 đã giảm 1,79% so với năm 2017 và 2,11% so với năm 2016.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, không có chỉ số thành phần nào đạt trên 90%. Chỉ số thành phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đạt giá trị trung bình cao nhất là 88,14%.

Ngoài ra, các chỉ số thành phần như công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính có giá trị trung bình trên 80%.

Chỉ số thành phần xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ có giá trị trung bình thấp nhất, 75,26%.

Tại lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức tiếp tục cho thấy một số bộ, ngành còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy; về thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; về đánh giá, phân loại công chức, viên chức.

PAR INDEX 2018 đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỷ lệ điểm số đạt được của các bộ qua điều tra xã hội học của lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức cũng tương đối cao. Tuy nhiên, trong 2 tiêu chí điều tra xã hội học là “Tác động của cải cách đến quản lý công chức, viên chức” và “Tác động của cải cách đến chất lượng đội ngũ công chức của bộ” tiếp tục cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Tỷ lệ điểm số trung bình các bộ nhận được qua điều tra xã hội học của tiêu chí “Tác động của cải cách đến quản lý công chức, viên chức” đạt 93,04%, trong khi đó, tiêu chí “Tác động của cải cách đến chất lượng đội ngũ công chức của bộ” chỉ đạt 78,48%.

Cải cách thủ tục hành chính mặc dù điểm số đã tăng đáng kể, từ 76,30% năm 2017 lên 81,78% năm 2018, tuy nhiên, kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 cho thấy các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nội dung công bố, công khai thủ tục và tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn theo quy định. Tỷ lệ điểm số đánh giá tác động của cải cách thủ tục hành chính qua điều tra xã hội học tiếp tục không cao, điểm số trung bình mà các bộ nhận được qua điều tra xã hội học chỉ ở mức 70,91%.

Nhiều sáng kiến trong cải cách hành chính

Về phía địa phương, bảng xếp hạng kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 không có quá nhiều sự thay đổi ở nhóm 5 đơn vị dẫn đầu so với năm 2017. Quảng Ninh tiếp tục giữ ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89,06%.

Không chỉ là nơi khởi nguồn và lan tỏa các sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính (thành lập trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư từ năm 2012), Quảng Ninh còn là đơn vị luôn đi đầu trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính được Trung ương giao như triển khai các mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử, vận dụng sáng tạo mô hình đối tác công tư - PPP.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết tiếp nối những thành công trong sắp xếp tổ chức bộ máy, năm 2018, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên thực hiện hợp nhất chi cục thuế cấp huyện thành chi cục thuế khu vực theo chủ trương của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, việc áp dụng có hiệu quả mô hình “4 tại chỗ” trong giải quyết thủ tục hành chính (gồm các khâu tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện) đã góp phần rút ngắn từ 40 đến 60% thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính so với quy định, giảm chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng là đơn vị triển khai xây dựng mô hình chính quyền điện tử từ rất sớm (2013) và là địa phương đầu tiên triển khai thành công trục kết nối liên thông văn bản điện tử 4 cấp với Văn phòng Chính phủ.

Đứng ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 là thành phố Hà Nội đạt 83,98%.

Trong năm 2018, Hà Nội đã tập trung tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thể chế cũng như về thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Năm 2018, thành phố đã triển khai mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh được thực hiện trực tuyến qua mạng, kết hợp trả kết quả giải quyết hồ sơ tại nhà hoặc trụ sở của doanh nghiệp.

Nhờ những chính sách cải cách mạnh mẽ và hỗ trợ kịp thời, kết quả về thu hút đầu tư của thành phố năm 2018 đã có sự bứt phá ngoạn mục, lần đầu tiên đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 7,5 tỷ USD, đây cũng là con số cao nhất về thu hút vốn FDI mà thành phố đạt được trong vòng 30 năm qua.

Đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là Đồng Tháp (83,71%). Vị trí thứ 4 thuộc về Đà Nẵng (83,70%) và thứ 5 là Hải Phòng (đạt 83,68%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cải cách hành chính những năm gần đây.

Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả trung bình đạt 76,92%. Có 29 địa phương đạt Chỉ số cao hơn mức trung bình, trong đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả trên 70%.

Đáng chú ý, năm 2018 không có địa phương đạt kết quả dưới 60% và khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2018 là 19,53%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29,76%)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục