Nhiều điểm cần lưu ý khi giao thương với thị trường Trung Đông

Thông tin về những khó khăn cũng những rủi ro khi xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Trung Đông, tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông” do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội, bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) nêu ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này.

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo bà Nguyễn Minh Phương, thời gian qua, do chủ quan nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải nhận "quả đắng" trong quá trình tìm kiếm đối tác cũng như giao dịch tại thị trường Trung Đông. Thực tế, việc giao dịch giữa các doanh nghiệp hai nước thường diễn ra trên mạng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vì tin lời phía đối tác, sẵn sàng chuyển khoản hàng nghìn USD làm tiền đặt cọc mà không hề qua các bước kiểm tra, thẩm tra cũng như tìm hiểu thông tin đối tác.

Cũng theo bà Nguyễn Minh Phương, có một hiện tượng đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đó là việc nhiều doanh nghiệp đối tác ở thị trường Trung Đông thường xuyên đơn phương thay đổi điều khoản hợp đồng, nhưng mọi chi phí thay đổi này hoàn toàn phía các doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu.

Ví dụ, một doanh nghiệp cà phê ở Đắk Lắk, bà Nguyễn Minh Phương cho biết, bản thân doanh nghiệp này trong một thời gian dài luôn làm ăn uy tín và có nhiều đối tác tại thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, khi kí kết được hợp đồng xuất khẩu với một doanh nghiệp của Saudi Arabia, doanh nghiệp đã gặp rât nhiều khó khăn về thủ tục cũng như chi phí vì không dưới 2 lần thay đổi điều khoản hợp đồng, nếu doanh nghiệp Việt Nam không chịu chi phí, phía đối tác sẵn sàng hủy hợp đồng.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng – Cục Xúc tiến thương mại, Trung Đông – châu Phi là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả ba châu lục Á, Âu, Phi và là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh. Đặc biệt Dubai, UAE là một trong những thị trường trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới.

Thời gian qua, việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước Trung Đông - châu Phi của Việt Nam gặp nhiều thuận lợi do ở những quốc gia này không đòi hỏi khắt khe về tiêu dùng chuẩn chất lượng.

Những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Đông hiện nay là rau, củ quả, thủy sản, điện thoại di động, giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, gạo, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, rau quả, cà phê.

Bà Phạm Hoài Linh, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, để làm ăn được với các doanh nghiệp khu vực Trung Đông cần phải tìm hiểu được thói quen, tập quán, tiêu chuẩn Halal là gì, người dân các nước Hồi giáo họ ăn gì và họ sống như thế nào và thời gian làm việc của họ ra sao để có thể tiếp cận được thị trường này.

Do các quốc gia khu vực này có khả năng thanh khoản cao nên khi các doanh nghiệp Việt Nam làm việc với các đối tác Trung Đông nên tiếp cận trực tiếp làm việc sẽ tránh được nhiều rủi ro. Cũng thông qua việc tiếp xúc trực tiếp, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mời các đối tác khu vực Trung Đông đến Việt Nam thăm quan vùng nguyên liệu, thăm cơ sở sản xuất chế biến sẽ nâng cao sự tin cậy giữa hai bên cũng như thành công trong hợp tác thương mại giữa các doanh nghiệp.

Đơn cử như, các nước khu vực Trung Đông theo đạo Hồi nên họ không ăn thịt lợn và quy trình giết thịt cũng phải theo quy trình đặc biệt, đúng theo tiêu chuẩn Halal. Do đó khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm vào thị trường này rất cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp tại thị trường này, hoặc thuê các công ty tư vấn về thị trường để được hướng dẫn cần phải làm gì, các bước tiến hành ra sao để có thể đưa hàng hóa Việt Nam vào khu vực Trung Đông.

Đối với các cơ quan chức năng của Vụ Thị trường châu Phi nói riêng và của Bộ Công Thương nói chung cần tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện thăm quan, tiếp cận thị trường và tìm kiếm cơ hội gặp gỡ đối tác xuất khẩu. 

Theo ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển Halal, tiêu chuẩn Halal là chìa khóa cho các doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường Trung Đông. Chính phủ các nước Hồi giáo luôn yêu cầu tiêu chuẩn này. Hơn thế, trong thời gian tới, thực phẩm Halal và tiêu chuẩn Halal có thể trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nếu đạt theo các tiêu chuẩn này.

Để có được tiêu chuẩn Halal, doanh nghiệp sẽ được tiến hành khảo sát tại nhà máy, đào tạo hiểu về tiêu chuẩn Halal, xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn Halal, hướng dẫn áp dụng và hướng đẫn dăng ký, khắc phục sau chứng nhận...

Đức Dũng (TTXVN)
Căng thẳng tỷ giá ngoại tệ ‘đè' nặng doanh nghiệp xuất khẩu
Căng thẳng tỷ giá ngoại tệ ‘đè' nặng doanh nghiệp xuất khẩu

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng khiến đồng USD trên thị trường thế giới lên đỉnh mới, trong khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm vào trung tuần tháng 5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN